Trong bối cảnh Covid-19 đang ngày càng phức tạp, xu hướng thế giới hiện có 2 nhận thức về chuyển đổi số (CĐS). Một là, CĐS chính là một trong những giải pháp giúp các nước đạt được mục tiêu kép: giãn cách xã hội phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 hiệu quả hơn và không làm đình trệ nền kinh tế và các hoạt động xã hội. Hai là, phải biết khai thác những tác động của đại dịch như một cú hích để đẩy nhanh tiến trình CĐS toàn diện, chuẩn bị cho sự phục hồi sau dịch.
Chuyển sang hoạt động trên internet
Nước nào đã CĐS tốt, có độ ứng dụng trên mạng càng đa dạng và càng rộng thì việc đương đầu với đại dịch toàn cầu Covid-19 càng hiệu quả. Với đặc thù của SARS-CoV-2 và quy mô lây lan kinh khủng của đại dịch này, các nước đều phải giãn cách xã hội, thậm chí có lúc phải phong tỏa, cách ly, mọi người phải hạn chế tới mức thấp nhất các giao tiếp trực tiếp, các cơ quan và dịch vụ phải chuyển sang hoạt động từ xa. Chính CĐS là nền tảng giúp xã hội tiếp tục vận hành trong điều kiện "bình thường mới".
Tổ chức Hợp tác quốc tế KPMG của Thụy Sĩ nhận định khi đợt bùng phát Covid-19 mở rộng từ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu sang được xếp vào loại đại dịch toàn cầu, nhiều công ty đã chuyển hầu hết nhân viên sang làm việc từ xa, nhiều trường học đóng cửa, chuyển sang hình thức đào tạo từ xa. Điều này nhấn mạnh thực tế là công nghệ hiện nay cho phép các tùy chọn trực tuyến này giúp hạn chế sự lây lan của virus. Ngành công nghệ thế giới đã đáp lời kêu gọi hành động của Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Mỹ hỗ trợ ứng phó với đại dịch. Google, Facebook, Amazon, Microsoft, IBM và Twitter… đã cùng thảo luận với chính phủ Mỹ về các nhu cầu và giải pháp đáp ứng. Trong khi đó, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) muốn rằng trong thời hậu Covid-19, CĐS sẽ giúp phục hồi thành nền kinh tế xanh. Khi một số nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, mục tiêu không phải trở lại "bình thường" mà là để xây dựng tốt hơn, đó là nền kinh tế bao trùm, xanh và bền vững.
Tạp chí kinh doanh Mỹ Forbes đã đưa ra 10 xu hướng CĐS hàng đầu trong năm 2020, gắn với thời hậu Covid-19. Tác giả Daniel Newman viết rằng: "Nhìn chung, Covid-19 đã khiến mọi thứ diễn ra nhanh hơn. Hầu hết các xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển khi Covid-19 tiếp tục lan rộng. Chúng ta đang tận mắt chứng kiến rất nhiều điều có thể giúp các hoạt động vẫn còn được kết nối". Forbes nhấn mạnh tới xu hướng: Covid-19 thúc đẩy mạng 5G tiến nhanh; kết nối WiFi 6 cao tốc sẽ tới sớm hơn; phân tích học là một thế mạnh cạnh tranh; công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học giúp thúc đẩy doanh nghiệp vượt qua đại dịch; blockchain (chuỗi khối) cần thiết cho cuộc chiến chống đại dịch…
Người dân làm thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyếnẢnh: Hoàng Triều
Giữ kết nối cho kinh doanh
Đại dịch Covid-19 đã và sẽ làm thay đổi mọi thứ trong cuộc sống xã hội trên quy mô toàn cầu. CĐS cũng không thể giống như trước. Nó phải cụ thể hóa và tập trung vào việc khôi phục lại mọi hoạt động xã hội khi đại dịch qua đi. CĐS giờ đây phải tính chuyện phục vụ cho thời hậu Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu hỗ trợ thúc đẩy các ngành hàng CĐS, thiết lập chuỗi cung ứng mới. CĐS cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây, tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các doanh nghiệp đẩy mạnh CĐS nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới, thay thế các chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch; đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. TS Abbott J. Haron, Chủ nhiệm Bộ môn Thạc sĩ quản trị kinh doanh và Thạc sĩ quản trị kinh doanh cấp quản lý tại Đại học RMIT Việt Nam, nhận định những công nghệ dự phần trong công cuộc CĐS cũng là công cụ hữu hiệu mà Chính phủ Việt Nam đang sử dụng trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Trong một bài viết trên website của RMIT Việt Nam, ông Abbott J. Haron nhấn mạnh: "CĐS là tập trung vào chuyển đổi và tích hợp mọi thành phần vào chuỗi giá trị và mạng lưới kỹ thuật số. Quá trình này bao hàm trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật, trao đổi dữ liệu và robot học đưa vào giải pháp nano hay công nghệ sinh học".
CĐS của các nhà bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa được cụ thể hóa là sự hoạt động trực tuyến. Trong điều kiện giãn cách xã hội, hạn chế giao tiếp trực tiếp, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng người dùng mua sắm trực tuyến ở mức kỷ lục, với trung bình 30 triệu lượt mua hàng trực tuyến tại Việt Nam mỗi ngày. Trong một báo cáo gần đây của Kantar về Covid-19 do Visa ủy quyền thực hiện vào tháng 6 vừa qua tại 40 nước, 62% người tiêu dùng Việt Nam khẳng định đã gia tăng đáng kể số lần giao dịch trực tuyến. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, nhấn mạnh: "Nhờ việc kinh doanh trực tuyến, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ mở rộng cơ sở khách hàng trong thành phố, khu vực hay quốc gia họ đang hoạt động mà còn có thể tham gia thị trường quốc tế được truy cập bởi hàng triệu chủ thẻ Visa trên toàn cầu".
CĐS toàn diện sẽ làm cho Chính phủ điện tử càng thêm hữu hiệu hơn và cuộc sống người dân càng được phục vụ tốt hơn. Nhưng mấu chốt vấn đề là CĐS phải được tập trung, toàn diện và cụ thể hóa. Không biến nguy cơ của Covid-19 thành cơ hội để thúc đẩy công cuộc CĐS thì sẽ có một bước lỡ rất đáng tiếc!
Đẩy nhanh dịch vụ công trực tuyến
CĐS trong việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng được cụ thể hóa bằng các dịch vụ công trực tuyến. Việt Nam đã xây dựng được nền tảng cho lĩnh vực này là Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP) được xem là tiền đề nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Tới nay, trục này đã được 95 cơ quan, bộ - ngành, địa phương kết nối. Đến giữa tháng 8, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 998 thủ tục hành chính trực tuyến, trong đó có 469 thủ tục cho công dân; có hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 273.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến qua cổng này.
Bình luận (0)