Trong năm 2020 và đầu năm 2021, khi Việt Nam và cả thế giới chịu khốn khổ vì đại dịch Covid-19, hàng loạt dự án đã được các hàng công nghệ triển khai hỗ trợ người bán hàng quán bên đường, tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đưa kinh doanh lên online, ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng doanh số bán hàng.
Hàng loạt giải pháp hỗ trợ kinh doanh
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê được đưa ra tại một hội nghị về chuyển đổi số, tiểu thương và SME đóng góp trên 47% GDP và tạo công ăn việc làm cho 50% tổng lao động. Tuy là thành phần chủ chốt của nền kinh tế, nhưng thực tế trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện quốc gia, thành phần này lại chịu nhiều thiệt thòi với nguy cơ bị bỏ lại bên đường.
Vì vậy, Chính phủ và nhiều doanh nghiệp công nghệ đã đưa ra hàng loạt chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ các tiểu thương, SME tham gia chuyển đổi số, mà khởi đầu là lên "đám mây". Tháng 9-2020, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) đã công bố chương trình chuyển đổi số, nhằm tư vấn và hỗ trợ tiểu thương, SME trên địa bàn thành phố tiếp cận với các gói giải pháp chuyển đổi số với chi phí phù hợp. Tập đoàn Google và Bộ Công Thương đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 - một sáng kiến của Google, nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của SME. Trong năm 2020, Google đã dành ra 340 triệu USD tín dụng quảng cáo trên toàn cầu thông qua dịch vụ quảng cáo Google Ads giúp SME giữ liên lạc với khách hàng của mình trong khoảng thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Người tiêu dùng có thể thanh toán bằng ví điện tử MoMo tại hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle-K Ảnh: MOMO
Ngày 12-3, Visa Việt Nam thông báo rằng Công ty Thanh toán điện tử Visa (Mỹ) tiếp tục mở rộng chương trình Kỹ năng kinh doanh thực tiễn, một nền tảng kỹ thuật số cung cấp tài liệu đào tạo miễn phí nhằm hỗ trợ tiểu thương, chủ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh hiệu quả để phát triển doanh nghiệp.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, việc cung cấp kiến thức, kỹ năng và dịch vụ hỗ trợ để giúp các nhà kinh doanh, doanh nghiệp tái xây dựng hoặc bắt đầu kinh doanh trên nền tảng số một cách mạnh mẽ là thật sự cần thiết. Trước đó, hồi tháng 11-2020, Visa đã hợp tác cùng ngân hàng Sacombank ra mắt công nghệ thanh toán Tap to Phone & NFC. Đây là lần đầu tiên trên thế giới Visa triển khai đồng thời công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng smartphone, kết hợp với giải pháp phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc của Visa, cho phép nhà kinh doanh dùng smartphone và máy tính bảng như một thiết bị thanh toán không tiếp xúc.
Giải pháp công nghệ này sẽ hỗ trợ nhà kinh doanh ứng dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại nhanh chóng và dễ dàng hơn khi toàn bộ quy trình đăng ký đều được thực hiện trực tuyến. Đơn vị chấp nhận thanh toán có thể xử lý khoản thanh toán chỉ qua một lần chạm mà không cần lắp đặt thêm phần cứng tốn kém khác. Nhân viên bán hàng cũng có thể dễ dàng thực hiện việc nhận thanh toán bằng smartphone, máy tính bảng mọi lúc, mọi nơi.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Vân, Giám đốc Tài chính của Tiki, hiện tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trên Tiki chiếm hơn 40%. Từ năm 2019, Tiki đã triển khai giải pháp thanh toán không tiền mặt qua máy mPOS khi giao hàng, nhằm giúp khách hàng giải tỏa sự bất tiện của việc mang theo tiền mặt. Hiện Tiki và hai đối tác chiến lược Visa và Sacombank đã triển khai giải pháp thanh toán không tiếp xúc bằng smartphone, mang đến sự tiện lợi và an toàn cho đội ngũ giao vận của Tiki khi phục vụ khách hàng.
Số hóa chợ và tiệm tạp hóa
Ngày càng có thêm nhiều dịch vụ trung gian thanh toán, như ví điện tử, mở rộng dịch vụ tới các tiểu thương, thậm chí cả những người bán hàng ở chợ. Bên cạnh một số ít tiểu thương chấp nhận dùng máy mPOS cho khách hàng cà thẻ ngân hàng, nhiều tiểu thương chọn thanh toán bằng ví điện tử như MoMo, SmartPay…
Trong buổi trao các giải thưởng của chương trình lì xì online dịp Tết Tân Sửu tại TP HCM ngày 9-3, ông Marek Forysiak, Chủ tịch Ví điện tử SmartPay, đã đề cập xu hướng thị trường trung gian thanh toán năm 2021 và cho biết xu hướng thanh toán kỹ thuật số sẽ tiếp tục lên ngôi trong năm nay do diễn biến khó lường của dịch Covid-19 và ngày càng có thêm nhiều khách hàng tìm đến với các sàn thương mại điện tử, tiếp cận với thanh toán không tiền mặt khi mua sắm tại các điểm bán… Với xu thế thị trường đó, SmartPay sẽ hướng trọng tâm vào kế hoạch "Merchants Go Digital", hỗ trợ 1,2 triệu tiểu thương Việt đưa cửa hàng, sản phẩm lên kênh online và thân thuộc hơn với phương thức thanh toán số. Năm 2021, SmartPay sẽ nâng số lượng giao dịch qua ví lên mức 100 triệu giao dịch, đẩy mạnh liên kết với các đối tác vận chuyển như Be, Ahamove… để đưa sản phẩm tiểu thương đến tận tay khách hàng.
Các dịch vụ gọi xe công nghệ quốc tế ở Việt Nam như Grab, Gojek cũng đã triển khai những chương trình giúp tiểu thương lên "đám mây". Cuối tháng 12-2020, Grab Việt Nam ra mắt dự án GrabMart để số hóa các chợ và tiệm tạp hóa - chiếm tới 75% thị phần bán lẻ truyền thống ở Việt Nam. Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam, chia sẻ: "Ngoài các giấy tờ quen thuộc như giấy phép kinh doanh hoặc chứng nhận nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, chúng tôi đề nghị các chủ sạp trong chợ đồng ý với những quy định khác như bảo đảm chất lượng tươi sống của thực phẩm, nếu không sẽ phải đổi hàng nếu khách hàng có nhu cầu, bán đúng giá, chấp nhận thanh toán online… Chúng tôi mong muốn sau khi hợp tác cùng GrabMart, chất lượng dịch vụ ở các chợ truyền thống cũng sẽ được nâng cấp".
Trong khi đó, dịch vụ đặt thức ăn GoFood của Gojek đã có kết nối với vô số món ăn từ hơn 80.000 nhà hàng trên hệ thống. Đồng thời, hướng tới những người buôn bán nhỏ, tạo điều kiện cho họ làm ăn với sự hỗ trợ của công nghệ. Bên cạnh các chuỗi quán ăn, các nhà hàng sang trọng, tham gia GoFood còn có các hàng quán nhỏ và siêu nhỏ. Mới đây, Gojek triển khai ứng dụng GoBiz để giúp các nhà hàng lớn, nhỏ hay siêu nhỏ có thể quản lý tốt dịch vụ và các đơn hàng của họ trên Gojek.
Bình luận (0)