Hệ thống quản lý hợp đồng (HĐ) điện tử hay HĐ thông minh có nhiều ưu điểm nổi bật so với HĐ trên giấy tờ truyền thống đang thu hút các doanh nghiệp (DN), nhất là các đơn vị cung ứng dịch vụ truyền thông.
Dùng công nghệ Blockchain để bảo mật
HĐ trên giấy tờ truyền thống vốn mất nhiều thời gian, công sức và chi phí để xử lý từ quá trình soạn thảo, ký kết, thực hiện và thanh quyết toán. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội, các bên không thể gặp gỡ trực tiếp để ký kết các HĐ truyền thống. Sự xuất hiện hệ thống quản lý HĐ điện tử giúp nâng cao quy trình ký kết HĐ trên giấy và cải thiện hiệu quả của việc quản lý HĐ.
Tuy nhiên, do kiến trúc hệ thống tập trung và lược đồ lưu trữ dựa trên cơ sở dữ liệu, nên các dữ liệu HĐ điện tử được lưu trữ có nguy cơ cao bị rò rỉ thông tin, giả mạo và bị tấn công bởi hacker.
Để khắc phục, các chuyên gia tại Trung Quốc và Canada đã ứng dụng công nghệ Blockchain (chuỗi cung ứng - BCT) để xây dựng HĐ điện tử và phát triển hệ thống quản lý HĐ theo định hướng quy trình (BEcontractor). Theo đó, các hoạt động mua sắm diễn ra trực tuyến giữa người mua với các nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa trên nền HĐ điện tử giúp giảm thiểu sự bất tiện và chi phí đi lại, đồng thời rút ngắn thời gian cung cấp vật tư cho các DN.
Giải pháp này dựa trên BCT để quản lý HĐ điện tử - BEcontractor. Nội dung của các tài liệu HĐ được lưu trữ trong mạng Blockchain cục bộ. Giá trị của mỗi HĐ được đồng bộ hóa với mạng Blockchain tư pháp do các tòa án internet điều hành. Nghĩa là, mỗi HĐ điện tử phải được gửi đến tòa án internet sau khi các bên hoàn thành chữ ký. Thời gian thực hiện rất nhanh do mọi khâu trong tố tụng đều được thực hiện qua mạng, các bên tham gia không cần xuất hiện tại tòa.
Việc gặp nhau trực tiếp để ký kết hợp đồng bất tiện cho các bên trong bối cảnh dịch Covid-19 nên hợp đồng điện tử là giải pháp phù hợpẢnh: LAM GIANG
Cách thức hoạt động của tòa án internet lần đầu tiên được công khai trong "Sách trắng về tư pháp internet của ngành tòa án Trung Quốc" ban hành vào cuối năm 2019. Trung Quốc hiện có 3 tòa án internet tại các thành phố Hàng Châu, Quảng Châu và thủ đô Bắc Kinh. Hiện 3 tòa án này đã tiếp nhận gần 120.000 vụ, xử lý được hơn 88.000 vụ. BEcontractor cung cấp các tính năng về tính công bằng, bảo mật và hợp pháp để quản lý HĐ. Bằng cách kết hợp các tòa án internet và các tổ chức công chứng, BEcontractor có thể cung cấp dịch vụ bằng chứng không phân biệt, nếu một trong hai bên vi phạm thỏa thuận.
Không cần sự tin cậy giữa các bên tham gia
Về mặt kỹ thuật, BEcontractor là một nền tảng trực tuyến, cung cấp các dịch vụ như: đăng ký và xác thực danh tính, xuất bản các mẫu, soạn thảo, sửa đổi, ký kết trực tuyến và truy vấn HĐ. Một trong những tính năng quan trọng nhất của BEcontractor là các HĐ minh chứng hiện có, được coi như bằng chứng pháp lý hợp lệ.
BEcontractor bao gồm lớp cơ sở hạ tầng Blockchain như thông tin cơ bản, sự đồng thuận giao thức để xác thực giao dịch, cung cấp các chức năng về bảo trì trạng thái cơ sở dữ liệu, sổ cái phân tán, quản lý vòng đời của HĐ... Lớp dịch vụ kinh doanh thực hiện các hoạt động như trọng tài, công chứng - minh chứng quy trình, quản lý quá trình ký kết và lưu trữ HĐ. Lớp ứng dụng cung cấp giao diện người dùng để truy cập các chức năng của BEcontractor (quản lý thông tin định danh, con dấu, chữ ký...). Các điều khoản của HĐ điện tử được hệ thống hóa thành HĐ thông minh.
Các nhà phát triển giải pháp sử dụng phương pháp lập trình hướng đối tượng để kích hoạt các hành động dựa trên các sự kiện và điều kiện được xác định trước. Chức năng của HĐ mua sắm thông minh được thiết kế để bảo đảm thỏa thuận được ký kết, thanh toán được giải quyết kịp thời và việc chấm dứt HĐ được thực hiện chính xác.
HĐ thông minh gồm các bước như tạo HĐ (người mua soạn thảo, thiết lập các điều khoản chi tiết mua sắm hàng hóa và thanh toán, thực hiện HĐ (ký kết các điều khoản về giá trị mua sắm, tần suất thanh toán), thanh toán HĐ. Trong trường hợp hủy HĐ thì thủ tục thanh quyết toán sẽ được kích hoạt hay cấp tòa án internet thích hợp sẽ xử lý nếu có tranh chấp.
Với công nghệ BCT, sự hợp tác và tương tác giữa các bên rất minh bạch, không cần cơ sở tin cậy giữa những người tham gia, trung gian bắt buộc hay công chứng bởi các giao dịch lưu trữ trong mạng Blockchain được xác thực tự động và xác minh độc lập. HĐ điện tử là bằng chứng pháp lý hợp lệ. Đối với các nhà cung cấp hàng hóa, các HĐ và giao dịch với người mua có thể được sử dụng như một tài liệu hỗ trợ khi xin tài trợ từ các tổ chức tài chính.
Triển khai thí điểm công nghệ Blockchain tại Công ty Điện lực Hàng Châu (Trung Quốc) từ đầu năm 2020, đã giúp đơn vị này ký kết thành công 6.336 HĐ điện tử với số tiền lên tới 6,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 23,4 tỉ đồng). Nếu tính từ khi soạn thảo đến khi hoàn tất ký kết HĐ điện tử, BCT giúp rút ngắn 11 ngày so với HĐ giấy truyền thống. Chi phí trung bình cho mỗi HĐ cũng giảm xuống đến 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7,1 triệu đồng) nhưng hiệu quả quản lý và trải nghiệm người dùng được cải thiện đáng kể.
Chuyển tài liệu, hồ sơ cho đối tác nhanh gọn
Tại Việt Nam, một số DN đang trong quá trình triển khai ứng dụng HĐ điện tử. Ông Huỳnh Lê Khánh, Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Truyền thông Golden, chia sẻ: "Thực hiện chức năng truyền thông cho nhiều DN nên công ty thường xuyên ký HĐ trong thời gian gấp rút. HĐ điện tử tiết kiệm được thời gian và chi phí nhờ vào đơn giản hóa quy trình gửi tài liệu, hồ sơ cho đối tác; thao tác nhanh ở bất cứ đâu. Điều chúng tôi quan tâm là cơ sở pháp lý và hệ thống bảo mật.
Bên cạnh đó, để thực hiện, HĐ điện tử liên quan đến cả hệ thống cấu trúc nhân sự và dữ liệu bước đầu trong khâu mua vào bán ra của DN. Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều DN bắt đầu có những bước thử nghiệm với nhiều cách thức khác nhau. Chuẩn bị thử nghiệm hệ thống HĐ điện tử với một đơn vị cung cấp giải pháp trong nước, chúng tôi trông đợi vào những giải pháp thiết thực để mang lại hiệu quả cho khách hàng".
M.Nhiên
Bình luận (0)