Người tiêu dùng tự sáng tạo nội dung đánh giá về sản phẩm, dịch vụ sau khi trải nghiệm thực tế được gọi tên là KOC (Key Opinion Consumer). Những nội dung được họ đăng tải sẽ phần nào ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng khác.
Đề cao trải nghiệm thật
Sau giai đoạn bùng nổ xu hướng KOL, thời gian gần đây, tại Việt Nam, đã xuất hiện một số gương mặt KOC nổi bật.
Một gương mặt KOC "đình đám" và được lòng người dùng mạng xã hội là Kiên Review (Lê Thành Kiên, sinh năm 1990) với 9,7 triệu lượt theo dõi trên TikTok, 898.000 lượt theo dõi trên Facebook và hơn 406.000 lượt đăng ký trên YouTube. Trang mạng xã hội của Kiên được biết đến nhờ những clip review được cho là rất có tâm, đánh giá đúng chất lượng sản phẩm, không ngại "bóc phốt" sản phẩm kém chất lượng và từ chối tất cả lời mời quảng cáo sản phẩm. Sản phẩm được Kiên Review đánh giá khá đa dạng, từ đồ gia dụng, đồ chơi đến đồ công nghệ...
Một kênh review sản phẩm của KOC Kiên Review
Một KOC khác là Duy Thẩm (tên thật Ngô Đức Duy, sinh năm 1995) hiện sở hữu kênh YouTube thu hút 406.000 lượt đăng ký và kênh TikTok với 1,2 triệu lượt theo dõi. Kênh của Duy Thẩm tập trung vào đánh giá, bình luận về các thiết bị công nghệ, chủ yếu là smartphone, laptop, máy tính bảng... Duy Thẩm được yêu thích bởi cách nói chuyện có duyên, lôi cuốn, bắt trend (đúng xu hướng).
Tuấn Ngọc đây! là một cái tên KOC cũng khá nổi tiếng, hiện sở hữu kênh TikTok có 1,9 triệu lượt theo dõi và trang YouTube có 129.000 lượt đăng ký. Ngoài ra, còn có Đàm Đức Review với kênh TikTok sở hữu 2,1 triệu lượt theo dõi; Bếp Trưởng Review sở hữu kênh TikTok đạt 1,5 triệu lượt theo dõi và kênh YouTube có 232.000 lượt đăng ký...
Khác với KOL thường được đặt hàng sản xuất nội dung dựa trên yêu cầu của nhãn hàng để giới thiệu sản phẩm, KOC trước hết là người tiêu dùng thật sự nên những nhận xét có phần khách quan hơn. Giới marketing cho rằng khách hàng ngày càng tinh ý hơn, dễ dàng nhận ra những video, bài đăng mang tính chất quảng cáo và được trả phí từ nhãn hàng. Vì vậy, cách thuê KOL với lượng người theo dõi lớn để quảng bá sản phẩm chỉ đem lại hiệu quả về mức độ tương tác, phủ sóng thương hiệu. Trong khi đó, những review thật của KOC với sự tin tưởng hoàn toàn từ khán giả có thể đem lại hiệu quả doanh thu thật.
KOC trở thành một nghề?
KOC được kỳ vọng sẽ trở thành một nghề "hái ra tiền" trong tương lai nhờ nhiều ưu điểm nổi bật. KOC trực tiếp trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm, từ đó đưa ra những nhận xét chân thực nhất, không phụ thuộc vào định hướng của nhãn hàng. Nhờ đó, hiệu quả thuyết phục, lôi kéo khách hàng và đem lại doanh thu từ KOC có phần cao hơn KOL.
Về nguyên tắc kiếm tiền, nếu như KOL được nhãn hàng trả tiền để review sản phẩm thì KOC sẽ là người chủ động lựa chọn, sử dụng sản phẩm và nhận hoa hồng trên số đơn nhà bán hàng đã bán được. Thậm chí, nhiều KOC trong giai đoạn mới tham gia công việc review sản phẩm thường kiếm tiền chủ yếu từ quảng cáo trên YouTube dựa trên lượt view (xem).
Nắm bắt xu hướng mới trên thị trường quảng cáo điện tử cũng như sức hút từ thế hệ KOC trong kỷ nguyên mua sắm online, một chương trình thực tế dành cho các KOC tiềm năng lần đầu tiên được ra mắt với tên gọi KOC Vietnam 2022. Chương trình do VCCorp và đơn vị đồng tổ chức là Lazada Việt Nam thực hiện với mục tiêu giúp các thí sinh bước ra từ chương trình sẽ trở thành người đánh giá sản phẩm có tiếng nói và tầm ảnh hưởng.
Theo VCCorp, với lợi thế thị trường mua sắm online đang rất phát triển, các sàn thương mại điện tử trở thành kênh mua sắm chính và hầu hết mọi quyết định chi tiêu của người tiêu dùng dựa trên các đánh giá, review của những người "đi trước", KOC đã trở thành nghề nghiệp hái ra tiền. Bằng những dòng bình luận nêu lên trải nghiệm tới những bài viết phân tích rõ về sản phẩm, thế hệ KOC hiện nay đang thể hiện sức sáng tạo lớn cũng như mức độ chỉn chu cao đối với các sản phẩm nội dung của mình.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam, cộng đồng KOC đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng và đưa sản phẩm lại gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số với những thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng do tác động của dịch bệnh.
Tại một báo cáo mới đây của Lazada về thị trường Việt Nam, nhà bán lẻ trực tuyến này cũng nhận định nội dung cho người dùng sáng tạo sẽ trở nên "quyền lực" hơn bao giờ hết trong tương lai. Theo đó, bên cạnh hình thức bán hàng thông qua livestream (phát trực tiếp), dạng bài đánh giá, video ngắn review sản phẩm trên các trang mạng xã hội sẽ ngày càng phổ biến.
Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh cũng đánh giá cao khả năng tác động đến hành vi mua sắm trên thị trường của KOC nhờ các ý kiến đánh giá chân thật, sát với nhu cầu tìm hiểu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vị chuyên gia băn khoăn trước xu hướng KOC sẽ trở thành một nghề chuyên nghiệp.
"Nếu định hướng KOC trở thành một nghề chuyên nghiệp và đầu tư để họ tăng lượng tương tác, số lượng người theo dõi và trở nên nổi tiếng hơn thì rất có thể khi đó, KOC sẽ trở thành KOL, mất đi ý nghĩa ban đầu. KOL và KOC thật ra khá tương đồng với nhau, chỉ khác về mức độ ảnh hưởng, tên gọi. Ranh giới giữa KOC và KOL rất mong manh và rất dễ bước qua" - ông Mạnh lưu ý.
Cân đối sử dụng KOL, KOC để quảng bá sản phẩm
Ông Lại Tiến Mạnh khuyến cáo các doanh nghiệp, nhãn hàng cân nhắc sử dụng KOL, KOC một cách hợp lý để truyền thông sản phẩm hiệu quả. "Khi hợp tác với KOL, nhãn hàng phải trả một khoản phí khá lớn tùy thuộc vào cấp độ nổi tiếng của KOL cùng chi phí phát sinh khác trong việc sáng tạo nội dung hay ấn phẩm truyền thông đi kèm. Còn đối với KOC, các thương hiệu chỉ phải chi khoản hoa hồng theo số đơn hàng thành công hoặc theo mức độ tương tác mà KOC đem lại" - ông Mạnh phân tích.
Bình luận (0)