Hồi đầu tháng 3 năm nay, tôi có hỗ trợ thủ tục cho một bạn trẻ từ Hà Nội bay qua Singapore xem sô diễn của Taylor Swift. Hỏi ra thì biết Swifties (người hâm mộ Taylor Swift) ở Việt Nam bỏ tiền túi sang đảo quốc sư tử xem Eras Tour khá đông, tiêu tốn khoảng 20 triệu đồng/người nhưng ai cũng hài lòng.
Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin: 6 buổi hát live của Taylor Swift tại Singapore (từ ngày 2 đến 9-3) mang lại doanh thu khoảng 375 triệu USD. Đảo quốc này hưởng lợi lớn từ cú hích Swiftonomics, đóng góp 0,25% vào GDP quốc gia. Nhờ đấu thầu thành công (mức giá không được tiết lộ), Singapore trở thành điểm đến duy nhất ở Đông Nam Á của nữ danh ca nhạc pop người Mỹ, khiến các quốc gia còn lại trong khu vực "thèm muốn". Doanh nghiệp các ngành hàng không, vận tải đường bộ, du lịch, dịch vụ, thương mại, bán lẻ đều kiếm tiền bộn nhờ "hiện tượng kinh tế Swiftonomics".
Giới quan sát nhìn nhận chiến lược biến Singapore thành một điểm đến văn hóa - nghệ thuật hàng đầu trong khu vực thay vì chỉ là nơi tổ chức sự kiện thương mại đã được chính phủ đảo quốc đề ra từ hơn 3 thập kỷ trước; và độc quyền Eras Tour chỉ là "một phần trong kế hoạch lớn" đó, để chứng minh cho một Singapore hấp dẫn, đẳng cấp, du khách lần này chịu chi thì lần sau sẽ trở lại dù đắt đỏ đến mấy.
Rõ ràng là Singapore đã dùng công nghiệp văn hóa để phát triển kinh tế rất hiệu quả, trong đó được lợi nhất là ngành du lịch.
Một số đơn vị ở Việt Nam đã đưa được nhóm nhạc nữ Hàn Quốc nổi tiếng BlackPink sang Hà Nội biểu diễn 2 đêm vào cuối tháng 7 năm ngoái. Nhóm nhạc này bỏ túi 13,7 triệu USD (hơn 330 tỉ đồng), trong khi kinh tế thủ đô cũng hưởng lợi không ít.
Theo Sở Du lịch TP Hà Nội, vào thời gian BlackPink sang, thành phố này đón 170.000 lượt khách, trong đó có 22.000 lượt khách quốc tế, hệ thống lưu trú trên địa bàn gần như kín chỗ, toàn ngành thu về khoảng 630 tỉ đồng. Từ thành công đó, TP Hà Nội định hướng đầu tư nhiều hơn cho các sự kiện văn hóa - thể thao mang tầm quốc tế trong thời gian tới nhằm quảng bá hình ảnh thủ đô, kích cầu du lịch.
Định hướng như vậy là đúng rồi, nhưng bao giờ thành hiện thực? Đây cũng là câu hỏi chung cho nhiều ngành, địa phương.
Festival, trong đó có festival du lịch, được tổ chức khá nhiều nhưng hầu hết nhàn nhạt, na ná. Tại sao không gắn những festival du lịch với những sản phẩm công nghiệp văn hóa quốc tế, như K-pop (Hàn Quốc), hoạt hình Nhật Bản, điện ảnh Hollywood hoặc chuyến thăm ngắn của những siêu sao bóng đá, nhằm "kéo" khách, để từ cái đà này, du lịch bật tăng trở lại, ít nhất là bằng với thời điểm trước khi có dịch COVID-19 (2019)? Nhiều celeb quốc tế các lĩnh vực đã từng sang Việt Nam nhưng không gắn với một chiến lược hoặc kế sách phát triển ngành nào bài bản từ phía chúng ta, quá uổng!
Ngành du lịch muốn phát triển bền vững thì phải lấy công nghiệp văn hóa làm nguồn lực. Để được vậy, chúng ta phải đầu tư mạnh nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa ngay từ bây giờ, dù khá trễ nhưng muộn còn hơn không.
Bình luận (0)