xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nhân chật vật với thu nhập thấp

Bài và ảnh: THANH NGA

Người lao động mong tiền lương tối thiểu sớm cải thiện để cuộc sống đỡ vất vả hơn

Công việc bấp bênh, kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp khiến cuộc sống của vợ chồng chị Huỳnh Thị Thu Ngân, công nhân (CN) Công ty TNHH Gonze - KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), hết sức chật vật.

Không có tích lũy

Chị Ngân gắn bó với công ty gần 5 năm nhưng thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chồng chị là lao động tự do, kể từ sau dịch COVID-19, thu nhập giảm sút. Vì vậy, hầu như mọi khoản chi trong gia đình, chị Ngân phải gánh vác.

Với khoản thu nhập hằng tháng, chị dành 3 triệu đồng trả tiền nhà trọ, điện, nước, rác; phần còn lại lo ăn uống, tiền xăng đi lại cho hai vợ chồng. Dù tiết kiệm cách mấy thì cũng có tháng chị phải vay mượn. Làm không đủ ăn nên dù kết hôn 5 năm, anh chị chưa dám có con. Vì vậy, hơn ai hết, chị Ngân rất mong thu nhập được cải thiện. "Tôi chỉ mong lương tối thiểu (LTT) sớm được điều chỉnh để đời sống CN đỡ vất vả hơn" - chị Ngân bày tỏ.

Không riêng chị Ngân, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện còn nhiều CN dù đã làm việc từ 5 năm trở lên nhưng thu nhập hằng tháng vẫn chỉ ở mức 5 - 6 triệu đồng (bao gồm cả các loại phụ cấp) và ít được tăng lương định kỳ dẫn đến thu nhập không tăng. Tiêu biểu như trường hợp chị Nguyễn Hồng Đào, CN tại một doanh nghiệp ở KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM). 

Vợ chồng chị làm cùng công ty, chị đã làm được 7 năm còn chồng gắn bó gần 10 năm nhưng tổng thu nhập của họ chỉ khoảng 13 triệu đồng/tháng. Do công ty trả lương thời gian nên anh chị rất khó cải thiện thu nhập. Trong khi đó, vợ chồng chị đang ở trọ và nuôi 2 con, chi phí cố định hằng tháng khoảng 6 triệu đồng. Tháng nào lĩnh lương ra là hết tháng đó, nên dù đi làm đã nhiều năm nhưng vợ chồng chị Đào vẫn không có tích lũy.

Cũng vì thu nhập thấp nên 3 năm qua, gia đình chị Phạm Thị Ngọc (quê Bình Định, CN Công ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam - KCX Tân Thuận) không dám về quê. Chị kể năm 2023, công ty có những thời điểm gặp khó về đơn hàng dẫn đến công việc của chị không suôn sẻ. Tuy nhiên, thu nhập vẫn tạm ổn ở mức 8 - 9 triệu đồng/tháng. 

Chồng chị làm việc cho một công ty chuyên phân phối các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thu nhập 6 triệu đồng/tháng nhưng mấy tháng qua, công ty gặp khó, trả lương nhỏ giọt khiến gia đình chị lâm vào cảnh túng thiếu. Chị Ngọc than thở: "Có tháng, chúng tôi phải khất lại tiền thuê nhà, may mà chủ trọ thông cảm. Vì vậy, nguyện vọng lớn nhất của tôi là cải thiện được thu nhập dù công việc có vất vả hơn".

Công nhân chật vật với thu nhập thấp- Ảnh 1.

Số đông công nhân mong được sớm cải thiện thu nhập để nâng cao chất lượng sống

Tăng lương phải thực chất

Liên quan vấn đề cải cách tiền lương, mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) đã gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH).

Trong đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề cập: Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết 21 về phát triển dân số trong tình hình mới, đặt ra mục tiêu chiến lược: Mỗi phụ nữ Việt Nam trong đời người bình quân sinh đủ 2,1 con, bảo đảm vững chắc tỉ suất sinh thay thế. Như vậy, gia đình có 2 vợ chồng đi làm phải nuôi được 4 người, tức là một người đi làm phải nuôi được bản thân họ và 1 người phụ thuộc. Từ đó, ông Nhân đặt vấn đề liệu tiền LTT trong đề án cải cách tiền lương có giúp một người lao động (NLĐ) đi làm nuôi được 2 người không?

Trả lời chất vấn, Bộ LĐ-TB-XH cho biết theo quy định của Bộ Luật Lao động, chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp (DN) do NLĐ và người sử dụng lao động quyết định, dựa trên cơ sở thương lượng, thỏa hiệp giữa hai bên. Nhà nước chỉ quy định mức LTT là mức sàn thấp nhất để bảo vệ những NLĐ có trình độ chuyên môn thấp, làm công việc giản đơn không bị trả lương quá thấp. 

Mức LTT do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia và được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; tương đương giữa mức LTT và mức lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, khả năng chi trả của DN. 

Trên cơ sở đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và rà soát, cập nhật định kỳ 2 năm/lần theo kết quả điều tra mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê công bố. Trong đó, bảo đảm cho họ có thể chi trả được các khoản phí cơ bản nhất về lương thực, thực phẩm cung cấp đủ năng lượng để NLĐ tái tạo sức lao động; chi phí cho giáo dục, y tế, giao thông đi lại, các khoản đóng góp, chi khác; chi phí nuôi con.

Năm 2022, trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP điều chỉnh mức LTT vùng tăng bình quân 6%, thực hiện từ ngày 1-7-2022 (áp dụng cho đến hiện tại). Cụ thể, LTT vùng I là 4,68 triệu đồng, vùng II là 4,16 triệu đồng, vùng III là 3,64 triệu đồng, vùng IV là 3,25 triệu đồng. Đến ngày 20-12-2023, 

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và thống nhất khuyến nghị với Chính phủ phương án LTT áp dụng từ ngày 1-7-2024, điều chỉnh tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng). Cụ thể, vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,41 đồng/tháng, vùng III là 3,86 đồng/tháng, vùng IV là 3,45 đồng/tháng. Ngoài ra, mức LTT giờ cũng tăng tương ứng 6% theo các vùng. Bộ sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức LTT với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, mức điều chỉnh tiền lương được tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, tình hình kinh tế - xã hội, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của NLĐ và DN, bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh của DN. 

Tạo thêm việc làm cho NLĐ

"Mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh DN chia sẻ với khó khăn của NLĐ và cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. Với mức điều chỉnh này, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên để NLĐ nâng cao năng suất, cùng DN vượt khó. Bên cạnh đó, DN cũng cần tiếp tục mở rộng thị trường, tăng thêm đơn hàng để NLĐ có việc làm trong thời gian tới" - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo