Còn gần 2 tháng nữa mới Tết nhưng vợ chồng chị Trịnh Thị Ngọc Bích, cùng là công nhân Công ty TNHH Vina Cosmo (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) đã tính toán trước các khoản chi tiêu Tết.
Cả hai vợ chồng chị Bích đều ở Gia Lai, cha mẹ hai bên đều đã lớn tuổi nên Tết năm nào, gia đình chị cũng ráng về quê để ăn Tết và thăm ông bà. Nhớ quê, nhớ nhà nhưng nhìn các khoản chi tiêu Tết, chị lắc đầu ngán ngẩm.
Chỉ tính riêng khoản vé xe về quê và trở lại cho gia đình 4 người (hai vợ chồng và 2 con nhỏ) đã ngốn vài triệu đồng do giá vé xe đội lên không ít so với ngày thường. Ngoài ra, anh chị còn dành một khoản (4 triệu đồng) để biếu ông bà hai bên, tiền mua sắm quần áo cho con, lì xì cho các cháu, mua thực phẩm Tết…
"Tính sơ cũng hết khoảng hơn 15 triệu đồng. Để không thâm hụt, năm nào chúng tôi sẽ dành khoản tiết kiệm từ 2-3 tháng trước Tết để canh mua vé xe cho cả nhà và mua quần áo cho con. Các khoản còn lại sẽ dùng vào thưởng Tết của hai vợ chồng để chi. Vì vậy, năm nào chúng tôi cũng trông vào thưởng Tết" - chị Bích tâm sự.
Chị nói thêm dù khá tốn kém nhưng con cái, ông bà đều mong chờ Tết để gia đình đoàn viên nên anh chị luôn cố gắng.
Tương tự, do các con đều ở cùng ông bà nội ở Sóc Trăng nên Tết năm nào vợ chồng chị Lý Thị Ngọc Mai, công nhân Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (quận 6, TP HCM) cũng về quê ăn Tết dù biết sẽ rất tốn kém và vất vả.
Chị Hân là công nhân, chồng là phụ hồ, tổng thu nhập mỗi tháng của gia đình chị khoảng 16-17 triệu đồng, vừa đủ để trả tiền trọ, ăn uống và gửi về quê cho các con. Để kiếm thêm, chồng chị Mai còn tranh thủ chở hàng, chạy xe ôm những ngày không có việc hoặc cuối tuần.
Tuy nhiên, tiền tiêu Tết vẫn là nỗi lo lớn của chị bởi rất nhiều chi phí phát sinh. Chị nhẩm tính chỉ các khoản mua sắm, lì xì Tết, hiếu kính cha mẹ, trang trí nhà cửa, tiền xăng xe về quê và đi lại… cũng đã hơn 10 triệu đồng. Đó là không tính tiền tàu xe do năm nào anh chị cũng tự chạy xe máy về quê để tiết kiệm.
"Chồng tôi làm tự do nên không có thưởng Tết, chỉ có tôi năm nào cũng có thưởng nên chi tiêu phải tiết kiệm hết mức, chúng tôi gần như không mua sắm gì cho bản thân mà dành hết cho con, sắm Tết cũng tranh thủ mua tại các phiên chợ giảm giá…" - chị Mai nói.
Không riêng gì hai trường hợp trên, rất nhiều công nhân đều lo khoản chi tiêu, đi lại vào dịp Tết Nguyên đán. Chi phí tăng lên khiến họ chỉ biết trông chờ vào thưởng Tết và cố gắng tăng ca, làm thêm để có một khỏan tiết kiệm, giúp gia đình có một cái Tết đủ đầy.
Bình luận (0)