Ngày 14-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa ĐBQH với công nhân (CN), người lao động (NLĐ), trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, để lắng nghe các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri tại các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh về các vấn đề liên quan đến nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã phản ánh với các ĐBQH một số vấn đề liên quan đến tình hình đời sống, việc làm, chế độ, chính sách cho NLĐ như thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của NLĐ; vấn đề lương, thưởng, trợ cấp tăng ca, trợ cấp bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; vấn đề nhà ở xã hội cho CN, NLĐ…
Cử tri Vũ Thị Thúy, CN Công ty Môi trường và Công trình Đô thị Thanh Hóa, phản ánh hiện nay, CN, NLĐ và nhân dân có nhiều băn khoăn, khi đi khám và chữa bệnh thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng BHYT, thiếu phòng và giường nằm điều trị, phải nằm hành lang; đặc biệt là các bệnh viện tuyến tỉnh.
Trong khi, cử tri Nguyễn Thị Ái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giầy SunJade Việt Nam (Công đoàn Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa), nêu thực trạng Chính phủ đã có điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, tuy nhiên giá cả các mặt hàng tiêu dùng và chi phí sinh hoạt tăng cao so với mức tăng tiền lương.
"Đoàn viên, NLĐ mong muốn tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ CN, NLĐ có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp"- cử tri Ái kiến nghị.
Một số cử tri cũng nêu ý kiến, kiến nghị về tình trạng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức tăng ca, tăng giờ quá quy định; có nhiều doanh nghiệp tổ chức cho NLĐ làm thêm 4 giờ/ngày, 70 giờ/tháng liên tục trong nhiều tháng, vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động.
"Đã có doanh nghiệp bị xử phạt hành chính về việc này nhưng vẫn vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của NLĐ. Đề nghị Sở Lao động, Thương binh và xã hội có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên"- một cử tri nêu ý kiến.
Ngoài ra, cử tri còn đặt kinh phí Công đoàn là nguồn thu quan trọng để tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, NLĐ, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn và để Công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động, đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí Công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí Công đoàn…
Sau khi nghe các ý kiến của cử tri, đại diện các sở, ngành liên quan đã giải đáp thắc mắc, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm.
Kết luận buổi làm việc, ông Mai Văn Hải, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, thông tin đến cử tri về chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Đồng thời, cho biết Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp thu, tổng hợp những vấn đề mà cử tri phản ánh để trình Quốc hội, các bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét, giải quyết theo quy định.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã quyết định hỗ trợ hơn 3 tỉ đồng cho 1.080 đoàn viên; trong đó hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho 28 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với số tiền hơn 1 tỉ đồng; tặng quà cho 1.052 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo với số tiền hơn 2 tỉ đồng.
Bình luận (0)