Tại hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý dự Luật Việc làm (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội và LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây, bà Võ Thị Loan, nhân viên phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Sơn Tùng (TP Thủ Đức, TP HCM), cho hay rất nhiều ứng viên đến ứng tuyển tại công ty nhưng vội vã rời đi khi doanh nghiệp cho biết sẽ ký hợp đồng lao động với họ.
Theo bà Loan, nhiều người lao động nghỉ việc, chuyển sang đi làm thời vụ cho các tổ hợp. Doanh nghiệp bị thiếu nguồn lao động nghiêm trọng. Như công ty bà khi phỏng vấn tuyển dụng người lao động đặt điều kiện nếu không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội sẽ vào làm. "Doanh nghiệp không thể làm trái quy định pháp luật nên 3 tháng qua, công ty tôi không tuyển được một lao động nào" - bà Loan cho hay.
Theo ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn TP HCM, gần đây trung tâm nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp và người lao động về Luật Việc làm quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người lao động. Nhiều người làm đủ 144 tháng nghỉ việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp và sau đó lãnh bảo hiểm xã hội một lần.
Vì đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều công nhân chỉ muốn tìm công việc thời vụ, không ký hợp đồng lao động, không tham gia Bảo hiểm xã hội.
Từ thực tiễn này cho thấy người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp quá 144 tháng không được bảo lưu sẽ gây thiệt thòi cho người lao động nên xảy ra hiện tượng nghỉ việc để nhận bảo hiểm thất nghiệp.
"Ban soạn thảo Luật cần nghiên cứu bảo lưu để người lao động được hưởng chế độ. Song song đó, với người lao động chưa thất nghiệp lần nào trong đời cũng được hưởng quyền lợi theo nguyên tắc đóng- hưởng" - ông Hiền đề xuất.
Còn về phía người lao động, ông Hiền khuyên người lao động khi làm việc nên ký hợp đồng lao động để bảo vệ quyền lợi và đề phòng rủi ro phát sinh.
Bình luận (0)