Tại TP HCM, cùng với nỗi lo nhà ở, thu nhập thì việc tìm nơi gửi trẻ phù hợp cũng là vấn đề nan giải với rất nhiều công nhân ngoại tỉnh hiện nay.

Công nhân gặp nhiều áp lực khi nuôi con nhỏ do thiếu nơi gửi trẻ ngoài giờ
Do không tìm được trường cũng không có người hỗ trợ chăm sóc nên cả 2 con 7 tuổi và hơn 5 tuổi của chị Phạm Thị Nguyệt, công nhân Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, TP HCM) đều được gửi cho ông bà nội ở Vĩnh Long chăm sóc. Cứ mỗi cuối tháng, vợ chồng chị về thăm con.
Chị Nguyệt kể khi mới sinh đứa đầu cũng muốn giữ con ở cùng cha mẹ nên hết 6 tháng thai sản, chị gửi con cho người quen cùng khu trọ giữ với chi phí 3 triệu đồng/tháng (chưa kể các chi phí sữa, đồ ăn dặm…).
Được một thời gian ngắn, chị có thai đứa thứ 2, lo lắng các khoản chi sẽ tăng lên nên chị muốn gửi con đến trường mầm non để giảm chi phí nhưng sau khi hỏi khắp nơi, chị vẫn không tìm được trường nào nhận trẻ dưới 15 tháng tuổi và nhận giữ ngày thứ 7. Còn trường mầm non tư thục thì lại rất tốn kém do ngoài học phí còn phải chi thêm một khoản khá lớn do gửi ngoài giờ.
Vì vậy, vợ chồng chị chọn gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. "Rất nhiều lúc tôi muốn nghỉ việc để chăm sóc con nhưng lại sợ chồng không thể gánh vác kinh tế cả gia đình nên trước mắt chúng tôi chỉ có thể tạm thời chấp nhận sống xa con" - chị Nguyệt thở dài.
Vợ chồng anh Huỳnh Văn Vuông (công nhân tại một công ty may ở huyện Bình Chánh) cũng đau đầu với câu chuyện gửi con. Dù anh đã tìm được một trường công lập gần nhà với mức chi phí phù hợp, có giữ trẻ ngoài giờ đến 17 giờ 30 các ngày trong tuần và giữ luôn ngày thứ 7 để gửi các con (4 tuổi và 3 tuổi) song vợ chồng anh làm theo ca kíp, nhiều hôm phải tăng ca đến tối muộn nên vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Để kịp giờ đón con, anh Vuông được công ty linh động, cho phép đi đón con 30 phút rồi trở lại làm việc. Vì vậy, chiều nào anh cũng vội đi đón rồi đưa đưa các con sang nhóm trẻ tư nhân để tiếp tục gửi đến khi tan ca.
Việc gửi trẻ ở hai nơi khiến anh áp lực về giờ giấc nhưng nếu chuyển sang trường tư thì học phí lại quá cao, vượt ngoài khả năng tài chính. "Chúng tôi chỉ mong có một nhà trẻ dành riêng cho con công nhân với giờ giấc nhận, trả trẻ phù hợp thời gian làm việc và chi phí hợp lý. Khi đó, vợ chồng tôi mới có thể yên tâm làm việc, không phải lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng như bây giờ" - anh Vuông bày tỏ.

Hiện nay, rất ít trường mầm non nhận giữ trẻ đến 19 giờ
Tìm nơi giữ trẻ phù hợp là bài toán nan giải với rất nhiều gia đình công nhân hiện nay. Theo một khảo sát của LĐLĐ quận 7 TP HCM (địa bàn có đông công nhân ngoại tỉnh) có 42,8% công nhân lao động thường xuyên tăng ca, làm thêm ngoài giờ nên có nhu cầu giữ trẻ từ 17 - 19 giờ.
Tuy nhiên, các trường mầm non công lập khó đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân vì vượt quá khung giờ Bộ Luật Lao động quy định, không thể thực hiện do không có cơ chế.
Do vậy, nhiều công nhân chọn gửi con tại các nhóm trẻ gia đình, người quen biết để thuận tiện đưa đón, đặc biệt có 32% người được khảo sát chọn gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.
Từ vấn đề trên, nhiều ý kiến kiến nghị thành phố có cơ chế chính sách "Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại các KCX-KCN trên địa bàn TP" đồng thời có chủ trương và hướng dẫn về việc sử dụng tài sản công trong việc giữ trẻ ngoài giờ và đề xuất cho phép địa phương ký hợp đồng với sinh viên năm thứ 4 Đại học sư phạm Mầm non giữ trẻ ngoài giờ ngày thứ bảy.
Bình luận (0)