icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Ký ức một thời hoa lửa

Bài và ảnh: LÊ HÀ

Trong ký ức của những cựu binh Sư đoàn 324, chiến trường xưa khốc liệt nhưng cũng là mảnh đất nghĩa tình chở che bộ đội

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày giải phóng Thừa Thiên - Huế (nay là TP Huế), những người lính Sư đoàn 324 năm nào lại có dịp trở về chiến trường xưa. Trong niềm hân hoan hội ngộ, những người lính già từng vào sinh ra tử tay bắt mặt mừng, kể về một thời hoa lửa, những ký ức hào hùng không thể nào quên.

Tiếc gì máu xương

Trong buổi chiều nắng vàng như rót mật, những đoàn xe đưa hơn 1.000 cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Huế. Trước cột mốc chủ quyền đảo Hoàng Sa trong khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự TP Huế - những người lính Sư đoàn 324 gặp lại nhau trong niềm hân hoan xen lẫn những giọt nước mắt xúc động.

"Vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên - Huế, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" - cựu chiến binh Phạm Đình Niệm (Hội Cựu Chiến binh TP Hải Phòng, quê ở Thái Bình) bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm hùng, tự hào. Năm đó, ông Niệm là chiến sĩ cơ yếu, làm nhiệm vụ giải mã thông tin tuyệt mật giữa các cấp, góp phần bảo đảm sự thông suốt của hệ thống liên lạc trên chiến trường.

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Vân (giữa) kể lại những ngày tháng chiến đấu hào hùng

Chặng hành quân kéo dài 3 tháng xuyên rừng rậm, vượt núi cao, băng qua bao thác ghềnh hiểm trở, dọc theo dãy Trường Sơn để tiến vào Nam, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống ngay khi chưa kịp đặt chân đến mặt trận. Ông Niệm nhớ lại: "Lúc ấy, chúng tôi tâm niệm rằng ra đi là phải chiến đấu đến cùng, hoàn thành sứ mệnh giải phóng miền Nam. Dù mình có hy sinh thì con cháu thế hệ mai sau cũng phải được sống trong hòa bình".

Với các cựu chiến binh Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Văn Chiến, Lê Sĩ Họa (Hội Cựu Chiến binh tỉnh Thái Bình)…, Huế mãi là một phần cuộc đời. Ký ức bi hùng của những người lính già mãi khắc ghi từng mặt trận ác liệt: A Sầu, A Bia (còn gọi là đồi Thịt Băm, huyện A Lưới); núi Bông, núi Nghệ (huyện Phong Điền); Động Tranh (thị xã Hương Trà); sông Bồ; sông Rào Trăng; Mang Cá…, với hàng trăm ngày đêm chiến đấu đẫm máu và nước mắt. Những đồng đội hy sinh ngay trước mắt, không thể đưa về.

Khó phai nhất trong lòng cựu binh Nguyễn Thanh Vân là trận chiến ác liệt trên đồi A Bia năm 1969. Ông và đồng đội hành quân ban đêm, vượt từng khe núi, sườn dốc, pháo sáng bủa vây, bom dội trên đầu, để tiến vào trận địa. Trong trận chiến đó, ông đã tự tay chôn cất 3 đồng đội ngay dưới chân đồi A Bia, bây giờ là di tích lịch sử cấp quốc gia "Địa điểm chiến thắng đồi A Bia".

Đứng trên ngọn đồi thênh thang nắng gió yên bình trong lần trở lại này, lòng người lính quặn thắt khi nghĩ về những đồng đội nằm lại nơi này, hài cốt vẫn chưa tìm được. "Mỗi lần đứng giữa Nghĩa trang A Lưới, giữa hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ lặng im, chúng tôi lặng người kính cẩn. Rất nhiều đồng đội của chúng tôi đang ở đâu trong những ngôi mộ trên bia còn khắc dòng chữ "chưa xác định được danh tính" - ông Vân xúc động.

Bản lĩnh kiên cường

Tôi nhớ tiếng gọi reo vui của ông Vân khi gặp lại đồng đội cũ Nguyễn Văn Chiến, cùng trở lại chiến trường xưa, để hòa chung niềm vui, tự hào cùng Đảng bộ, nhân dân TP Huế trong ngày lễ trọng đại.

Choàng tay ôm ông Chiến, ông Vân "khoe": "Đây là người lính hữu tuyến gan dạ nhất trên chiến trường. Cứ nơi nào nguy hiểm nhất, thông tin liên lạc bị đứt, cấp trên lại điều ông Chiến đến".

CUỘC THI VIẾT “CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM”: Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 2.

Hai cựu binh Nguyễn Văn Chiến (trái) và Phạm Đình Niệm hội ngộ bên cột mốc chủ quyền đảo Hoàng Sa trong khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự TP Huế

Trận đánh ở "khe tử", "suối tử" tại xã Bình Điền cũ (nay là xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà), bom Mỹ dội xuống liên tục, ông Chiến như con thoi, hết chui vào khe đá rồi lại lao ra để nối liên lạc, bất chấp hiểm nguy, mạng sống lúc nào cũng giữa lằn ranh sinh tử. Ông Chiến nhớ lại: "Lúc đối diện với bom đạn, tôi chỉ nghĩ bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ, không sợ hy sinh, phải bảo đảm sao cho đường dây thông suốt, thông tin chỉ huy, liên lạc luôn liền mạch". Người lính gan dạ đó đã vinh dự nhiều lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba ngay tại chiến trường, tại các mặt trận A Bia, Động Tranh…

Tại trận đánh Động Tranh (Phong Điền) năm 1972, ông Vân bị địch bao vây suốt 7 ngày dưới căn hầm ngập nước. Giữa lằn ranh sinh tử, ông vẫn kiên cường bám trụ. Hầm ngập nước, mất liên lạc. Địch liên tục tuần tra bên trên. Ông nằm im dưới hầm, quyết tâm bằng mọi giá không để cơ sở bị lộ. Vượt qua thời khắc hiểm nguy ấy, ông Vân được kết nạp Đảng ngay trên trận địa. Khoảnh khắc đứng trên miệng hầm tuyên thệ, giữa tiếng gió vi vu là tiếng pháo nổ chát chúa bên tai, không người lính nào quên.

Trong ký ức của những người lính già, chiến trường xưa khốc liệt nhưng cũng là mảnh đất nghĩa tình. Cựu chiến binh Lê Sĩ Họa, người lính hậu cần Sư đoàn 324, nói rằng trong tâm tưởng thời trai trẻ của ông in đậm bóng dáng những cô gái Huế nhỏ nhẹ mà kiên cường. Họ là những giao liên, vượt qua hiểm nguy của bom đạn để vận chuyển tài liệu giữa núi rừng và đồng bằng. "Ở vùng cao A Lưới, những người phụ nữ Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… đã giúp bộ đội gùi đạn dược vượt núi. Những tấm lưng thon oằn mình tải đạn, vượt suối đèo, băng qua đạn bom khói lửa vẫn cất vang tiếng hát. Họ nhỏ bé nhưng bền bỉ, dẻo dai, mạnh mẽ. Tất cả vì một ngày chiến thắng. Người dân trên mảnh đất này đã tiếp thêm nghị lực cho người lính như chúng tôi, để vững tay súng giữa những tháng ngày tưởng chừng như không thể vượt qua" - ông Họa bày tỏ sự xúc động.

TP Huế rực rỡ cờ hoa đón ngày hội lớn, cũng hân hoan đón những người lính già trở lại chiến trường xưa để hòa niềm vui chung non sông thống nhất. Đó cũng là sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha ông đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, hy sinh vì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. 

Vì độc lập, non sông thống nhất

Trong hành trình trở lại chiến trường xưa, ông Nguyễn Thanh Vân cùng các cựu chiến binh Sư đoàn 324 dừng chân bên cầu Trường Tiền, dưới gốc phượng già nở hoa đỏ rực giữa ngày hè, hồi tưởng về đợt tấn công vào thành nội Huế trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ông Vân kể khi vượt qua cầu Trường Tiền, có 3 đồng đội trúng đạn của địch. Nhìn đồng chí, đồng đội của mình ngã xuống ngay trước mặt, lòng ông đau như cắt nhưng vì nhiệm vụ nên phải tiếp tục tiến lên.

"Trong những cánh rừng, ngọn đồi, bờ sông, thửa ruộng trên đất nước Việt Nam, vẫn còn rất nhiều anh hùng liệt sĩ, đồng đội của chúng tôi nằm lại, hòa vào cây cỏ, trở thành hồn thiêng đất nước. Họ không tiếc máu xương. Tất cả vì độc lập, non sông thống nhất" - ông Vân xúc động.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo