Cuối năm có Facebooker lên mạng chê bánh chưng giờ là thứ cổ lổ xỉ, là thứ lạc hậu trong thời kỷ nguyên số… bị các bạn trẻ phản ứng dữ dội như: bánh chưng, bánh tét tượng trưng cho trời tròn đất vuông, gạo nếp tượng trưng hồn Việt, quên điều cơ bản đó là mất gốc; "được tí cá biển đã quên mùi cá ao" rồi... Một lão nông bắt chước cụ Phạm Quỳnh: "Bánh chưng còn, hồn Việt còn. Hồn Việt còn, nước ta còn".
Tôi ghé chợ Hương Cần (còn gọi chợ Cần, ở Hương Trà, TP Huế). Chị Quế đang sống ở Bạc Liêu dặn khi nào về chợ Cần gọi video cho chị thăm chợ kẻo nhớ quá. Hàng ăn chợ Cần xưa nay nổi tiếng ngon và rẻ, năm rồi bánh gói Hương Cần, bún Vân Cù được tôn vinh di sản văn hóa khiến dân làng rất tự hào. Bật mesenger gọi, chị Quế xuất hiện ngay. Tôi lia máy, chị kêu lên mừng rỡ: "Ơ bánh gói tề!". Bánh gói bằng lá chuối xếp chồng lên nhau rất đẹp, xanh mướt đậm đà. "Chị nhớ bánh vừa giòn dai vừa mềm dẻo, chấm nước mắm Phú Thuận, ăn nóng ngay ở chợ thì thôi rồi".
Tôi lia camera khắp các gian hàng để chị thưởng thức sản vật Tết quê. Không chỉ là nải chuối, hoa vạn thọ, thịt heo, dưa hành, cốm An Thuận, các loại mứt gừng, dừa, bí đao… ngày xưa; mà nay sản vật cả nước đều có mặt, cả hoa lyz từ tuốt miền Tây Bắc về, thơm nức mũi. Đó là chưa kể người bận rộn thì mua hàng Tết qua điện thoại, tất tần tật đều được giao tận nhà. Chị Quế nói nhờ Facebook, Zalo có thể nhìn thấy xóm làng ngày Tết, đỡ tủi thân ôm mặt khóc, thương nhớ quê nhà như những ngày xưa.
Ở từ đường, chị Có vừa làm xong lá gói bánh. Nếp, đậu đã được vút xong từ sáng sớm. Mấy chị em trải chiếu bày các thứ rồi thay áo dài "chụp ảnh lên phây" xong mới bắt đầu gói. Mọi người nhao nhao "live stream đi". Lại gọi cho "đầu cầu" Bạc Liêu. Gói bánh rồi hả? Đang gói. Năm nay gói nhiều không? Gói mươi đòn thôi, chủ yếu là để con cháu biết hương vị Tết cổ truyền. Ô bó lạt tề, lạt đẹp ghê hí. Chị Quế đọc luôn: "Lạt này gói banh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng"…
Cháu trai là Sông mới tập gói, đòn bánh đầu tiên bị đầu to đầu nhỏ. Mấy chị ở Bạc Liêu cười ngặt nghẽo, "Ê Sông, đầu voi đuôi chuột rồi tề. Gói như rứa con gái chê đó". Chị Có kể: "Ngày xưa anh ưa chị. Anh việc chi cũng làm giỏi nhất làng, rứa mà phải 3 năm mới được cầm tay chị, đi ở rễ 7 năm ôn mệ mới cho cưới". Chị Quế góp chuyện, "Rễ nhà mình cũng vui, có đứa trời lụt thả bè chuối từ đầu nguồn sông về cuối sông để thăm bồ".
Cả nhà ôn chuyện cũ cười vang xóm. Rồi có người gợi ý, chị Có đọc vè đi. Đọc vè chi chừ hè? À, vè con gái đi chợ ăn hàng. Con Quế hay ăn hàng nghe đây nè: "Nghe vẻ nghe ve/ nghe vè con gái/ tay chân mềm mại như thể bông ba/ chờ mạ đi ra cắp tiền thu giấu/ đồng ăn khoai nấu, đồng uống nước chè/ đồng ngồi đồng xếp bè he/ hai tay lột lá cái mồm hả ra… Tổ cha thằng thày bói dại miệng dại mồm/ tau ăn bánh ướt thịt heo răng chừ?". Mọi người cười ngã nghiêng...
Lần lượt con cháu ở TP HCM, Bình Phước, rồi cả chú Phúc ở Hà Nội gọi, live stream cảnh nhen bếp um khói mịt mù cho đến khi lửa bén đáy nồi. Ở Bình Phước hôm qua đã nấu bánh sớm, nhưng nay con cháu vẫn thích xem bếp lửa quê nhà. Ngọn lửa quê hương bao giờ cũng ấm áp, dù qua sóng wifi vẫn truyền tải độ nóng của tình cảm quê cha đất tổ…
Tôi tranh thủ đi một vòng quanh xóm, gặp thầy giáo Trường An, người đã chụp hơn 150 chân dung tất cả dân làng đang vác máy ảnh đi khắp thôn. An khoe đã kịp chụp một số hình ảnh hay: chị gái đi mua cây mía về trưng bàn thờ Tết, cụ ông vớt bánh chưng… Và dĩ nhiên, hình ảnh áo dài khăn đóng đang khấn cầu bên mâm cổ cầu năm mới khoan hòa, được lồng thêm câu hát: "Tết Tết Tết Tết đến rồi…" sẽ được truyền đi khắp nơi cho người thân phương xa xem…
Rời làng lên phố. Cố đô Huế vàng rực dấu xưa kinh kỳ. Đúng giao thừa, các cháu ở Bình Phước gọi video ra Huế khoe cảnh đại gia đình ảnh chị cúng giao thừa, rồi rủ nhau chụp hình kỷ niệm, chúc mừng năm mới, lì xì nhau phong bao điện tử, cứ mỗi lần điện thoại ting ting lại rổn rảng tiếng cười, khiến mọi người như quên mất khoảng cách địa lý. Khoảnh khắc đó, lòng mỗi người không khỏi rưng rưng.
Ngày đầu năm tôi ghé nhà họa sĩ Đặng Mậu Tựu. Anh dựng cây nêu rất ý nhị, kết cả bánh kẹo ươm cổ tích, khoe lên Facebook chúc mọi người vui xuân. Bên kia sông Hương, trong Đại Nội đã dựng cây nêu Hoàng cung từ sớm. Chị Thái Kim Lan cũng cho dựng cây nêu nơi Lan Viên Cố Tích… Cây nêu xứ Huế theo internet lan tỏa niềm vui xuân hơi hướm cổ truyền đi khắp năm châu. Các phòng tranh mở cửa rộn ràng, đặc biệt phòng tranh có cái tên ngộ nghĩnh "Rắn lục lộ chộ mà đi" của Đặng Mậu Tựu cùng các cây cọ trẻ và các họa sĩ nhí lớp 5. Các cây cọ nhí tham gia bày tranh nhưng lại thấy vui nhất khi chụp hình khoe Fb …
Ở một góc Gia Hội, chị Ánh Hồng nghỉ hưu hơn mười năm, cũng vẽ nhiều tranh ngay trên điện thoại khoe Facebook, chứa chan cảnh tình xuân Huế… Xưa tranh Tết Huế quanh quẩn với làng Sình, nay có thêm sự tham gia của các họa sĩ tên tuổi, và cả những người mê chơi vẽ vời trên sóng wifi… Đó cũng như là cách văn nghệ sĩ Huế tham gia cùng đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Xem ra thời số hóa, Tết vẫn đang lưu giữ nét cổ truyền nhưng công nghệ số đã giúp phái sinh nhiều phong vị Tết đa dạng đa sắc, sinh động hơn, mà vẫn ấm áp tình đời. Thiệp chúc Tết tự thiết kế cũng nhiều hơn nhờ Canva, Krita, Vectr... tiếp tục được gửi qua Zalo, Mesenger…
Tôi xúc động khi nhìn thấy trên một cánh thiệp có cái tên rất đỗi tài hoa từ nước Mỹ - "Trần Kiêm Đoàn family", với lời chúc giản dị "Thân tâm an lạc, vạn sự cát tường". Tác giả "Chuyện khảo về Huế" nổi tiếng ở ngàn dặm xa bên kia Thái Bình Dương, mà thấy như vẫn đang rất gần, như anh đang đón Tết nơi quê nhà Liễu Cốc Thượng bên sông Bồ êm êm trôi trong sương xuân…
Bình luận (0)