Gần 3 tháng từ khi Đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP HCM có hiệu lực, một số địa phương đã triển khai tới người dân, tổ chức có nhu cầu.
Đóng phí, an tâm sử dụng
Thuê một phần vỉa hè diện tích 6,3 m2 mặt tiền đường 3 Tháng 2, quận 10 với mức phí 6,3 triệu đồng trong 10 tháng, ông Trương Thanh Phước - nhà trên đường 3 Tháng 2, quận 10 - cho biết ông được chính quyền địa phương hướng dẫn làm thủ tục nên quá trình xin cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè khá dễ dàng.
"Do cần chỗ để vật liệu xây dựng sửa chữa lại căn nhà cũ nên tôi quyết định thuê một phần vỉa hè trước nhà, thời gian thuê từ ngày 6-3 đến 31-12-2024. Khi đóng phí, tôi an tâm sử dụng, không lo bị phạt hay nhắc nhở" - ông Phước kể. Theo ông Phước, việc thu phí vỉa hè nhằm giúp thành phố nền nếp hơn, mỹ quan hơn. Các địa phương cần triển khai đồng bộ và quan tâm đến mức thu phù hợp hơn với tình hình kinh tế hiện tại của người dân.
Tại quận 1, từ dịp Tết Nguyên đán vừa qua, UBND quận cấp nhiều giấy phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho một số cơ quan để tổ chức lễ hội Tết. Cụ thể như giấy phép cấp cho Nhà Văn hóa Thanh Niên tổ chức Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 với diện tích sử dụng 260 m2 trên đường Phạm Ngọc Thạch, số phí thu về 25,8 triệu đồng cho 1 tháng (100.000 đồng/m2/tháng). Ngoài ra, vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm cũng được cho thuê 66 m2 để giữ xe 2 bánh phục vụ lễ hội, số phí thu về cho 1 tháng là 23,1 triệu đồng (350.000 đồng/m2/tháng).
Tương tự, quận 1 cũng cấp giấy phép sử dụng tạm một phần vỉa hè trước số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, diện tích 516 m2, cho Cung Văn hóa Lao Động để tổ chức Phố Xuân; giá thuê 100.000 đồng/m2/tháng, tổng phí thu về 1 tháng là 51,6 triệu đồng.
Xây dựng phần mềm, đấu thầu…
Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết quận đã rà soát và thống nhất đề xuất 3 danh mục các tuyến đường có vỉa hè lên Sở Giao thông Vận tải (GTVT).
Danh mục 1 là những vỉa hè cho người dân sử dụng tạm một phần để xe máy tự quản không phu phí, gồm 86 tuyến. Danh mục 2 là những tuyến vỉa hè người dân có thể sử dụng tạm một phần để kinh doanh. Danh mục 3 là những vị trí có thể sử dụng tạm một phần để giữ xe có thu phí. Đến nay, Sở GTVT đã thống nhất danh mục 1. Hai danh mục còn lại được sở yêu cầu làm rõ thêm về phương thức quản lý, khai thác. Quận 1 đã làm rõ, đưa ra phương án bổ sung và gửi Sở GTVT.
Sau khi được Sở GTVT thống nhất danh mục 1, quận đã tiến hành kẻ vạch và đến nay cơ bản hoàn thành. Đối với những tuyến thuộc danh mục 2, các phường đã rà soát và đăng ký 52 tuyến. Quận đang đợi Sở GTVT thống nhất để triển khai bước tiếp theo.
"Quan điểm chỉ đạo của TP HCM và Sở GTVT là trước mắt chọn một số tuyến để thí điểm thực hiện. Do đó, quận đã đề xuất làm thí điểm trước 14 tuyến" - ông Vinh thông tin và nói đối với danh mục 3, sau khi có ý kiến của Sở GTVT, quận sẽ công bố công khai. Nếu có hơn một đơn vị đăng ký thì sẽ tiến hành đấu thầu, đấu giá.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND quận 1, địa phương đang xây dựng một phần mềm để khi người dân có nhu cầu sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè thì đăng ký qua đó, được cấp mã và thực hiện thanh toán không tiền mặt.
Đây là việc chưa có tiền lệ nên việc triển khai cần hết sức thận trọng. "TP HCM cho phép quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn, mục đích lớn nhất, cao nhất là để bảo đảm trật tự lòng đường, hè phố. Do đó, khi địa phương triển khai phải chặt chẽ, kỹ lưỡng" - ông Vinh quả quyết.
Một số địa phương đang xây dựng phần mềm để người dân đăng ký trực tuyến khi có nhu cầu thuê vỉa hè. Thủ tục xin cấp phép được người dân nhận định khá thuận lợi.
Còn theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị quận 10, trên địa bàn có 28 tuyến đường đủ điều kiện đưa vào danh mục có thu phí.
Quận sẽ áp dụng 2 mức phí, trong đó, mức phí ở các tuyến trung tâm sẽ cao hơn so với các tuyến còn lại.
Với các trục nằm ở trung tâm quận 10, mức phí thuê để mua bán, kinh doanh là 100.000 đồng/m2/tháng; các tuyến còn lại mức phí là 50.000 đồng/m2/tháng. Riêng các vỉa hè để xe có thu phí thuộc tuyến trung tâm, mức phí là 350.000 đồng/m2/tháng; các tuyến còn lại 180.000 đồng/m2/tháng.
Trước đó, nhận định vỉa hè là một phần không gian công cộng quan trọng của đô thị, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nói đây không chỉ là nơi bố trí hạ tầng kỹ thuật, cây xanh hay dành cho người đi bộ mà còn diễn ra dòng chảy về kinh tế chính thức cũng như phi chính thức với các hoạt động mua bán, dịch vụ rất đa dạng.
Theo ông An, khi các hoạt động diễn ra trên vỉa hè được đưa vào khuôn khổ sẽ vừa bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị vừa chia sẻ lợi ích kinh tế - xã hội cho chính quyền và người dân. Để đạt hiệu quả, khi khai thác cần làm từng bước chắc chắn.
Báo cáo trước ngày 5-4
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP HCM, cho biết một số địa phương như quận 1, quận 10 đã triển khai cấp giấy phép sử dụng tạm một phần vỉa hè như đề án. Một số địa phương giao UBND các phường rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục các tuyến đường có vỉa hè sử dụng ngoài mục đích giao thông.
Để có cơ sở báo cáo UBND TP HCM về tiến độ triển khai đề án, Sở GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về rà soát, báo cáo kết quả thực hiện trong quý I/2024, gửi về Sở GTVT trước ngày 5-4. Ngoài báo cáo tình hình thu phí sử dụng tạm một phần vỉa hè, các địa phương sẽ báo cáo kết quả công bố danh mục các tuyến đường theo thẩm quyền được quản lý; đề xuất các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bình luận (0)