Qua khảo sát nội bộ mang tên "Người đi làm hạnh phúc" cho hơn 100 công ty tại Việt Nam, Công ty CP Anphabe (quận 1, TP HCM), nhận định năm 2024 song song với việc kinh tế dần hồi phục, nhiều doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng trở lại sau 1 năm sa thải hàng loạt sẽ là sự trỗi dậy của "Zombie công sở".
88% "Zombie công sở" có ý định ở lại với doanh nghiệp
Giải thích về thuật ngữ "Zombie công sở", bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe mô tả: "Đây là nhóm người lao động đi làm nhưng không nỗ lực làm, không có ý định nghỉ việc dù ít gắn kết, hạ gục đồng nghiệp bằng thái độ và hành vi tiêu cực".
Theo đó, mô hình chính của khảo sát này chính là đo lường dựa trên mức độ nỗ lực, được Anphabe chia thang đó nguồn nhân lực từ Low effort (nỗ lực thấp) đến High effort (nỗ lực cao). Ngoài ra, khảo sát còn đo lường độ độ trung thành của người đi làm dựa trên mong muốn gắn bó với công ty hay là sẽ có ý định nghỉ việc, intention to leave (ý định rời đi) hoặc intention to stay (ý định trở lại).
Từ đó, chia nguồn nhân lực ra thành 4 nhóm nhân viên: Nhóm Core team – Nòng cốt (những người vừa nỗ lực và trung thành mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được); Nhóm Regret loss – Thất thoát đáng tiếc (những người rất yêu công ty và rất nỗ lực cho đến ngày họ ra đi); Nhóm Quitter – Từ bỏ (những người vừa thiếu nỗ lực, vừa có ý định rời đi); Nhóm Zombie (những người nỗ lực thấp nhưng không có ý định rời đi, làm việc vật vờ như những "xác sống" công sở, đây là một trong những nỗi đau mà người nhân sự đau đầu).
Khảo sát của Anphabe dựa trên mô hình phân bổ nguồn nhân lực từ năm 2016 - 2023 cho thấy sự thay đổi trong tỉ lệ giữa các nhóm nhân lực qua các năm, với sự giảm dần của nhóm Nòng cốt và sự gia tăng của nhóm Tổn thất đáng tiếc và nhóm Từ bỏ (do làn sóng nghỉ việc và sa thải hàng loạt dưới tác động của dịch COVID-19). Sau đó, đến năm 2023 xuất hiện hiện tượng "Zombie trở lại" do một số nhân sự có vẻ đã quay trở lại làm việc, nhưng không còn nỗ lực và gắn bó như trước.
"Bước sang năm 2024, dự kiến sẽ đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của "zombie công sở", khi có đến 88% nguồn nhân lực bày tỏ ý định ở lại với doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với con số 67% vào thời điểm 'Zombie trỗi dậy' năm 2017" – CEO Thanh Nguyễn nhấn mạnh.
Phương pháp hữu hiệu để trị liệu cho "Zombie công sở"?
Số liệu do Anphabe khảo sát cũng cho thấy, trên thực tế, có đến 45% nhân lực Việt Nam thể hiện sự "rất không gắn kết" hoặc "thờ ơ" với doanh nghiệp, tương ứng mức độ tự nguyện đóng góp của họ chỉ khoảng 11% và 53%, thấp hơn nhiều so với nhóm nhân viên Gắn kết cao. Điều này cho thấy gần một nửa nguồn nhân lực đang làm việc dưới khả năng của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái gắn kết và phục hồi động lực làm việc cho "zombie công sở" - nhiệm vụ lớn nhất trong quản trị nhân sự mà doanh nghiệp cần quan tâm.
""Zombie công sở" cùng trào lưu "Quiet quitting" (nghỉ việc thầm lặng) hiện là những ảnh hưởng có tác động mạnh mẽ đến nỗ lực thay đổi của các doanh nghiệp, giết chết năng lượng, mong muốn thay đổi của doanh nghiệp. Nhóm này chiếm tới 30% nhân sự, vì vậy nhiệm vụ của người làm nhân sự, của lãnh đạo doanh nghiệp là phải làm cho những zombie này sống lại" - bà Thanh Nguyễn nhận định.
Để ứng phó với thực trạng này, dù ở góc độ người làm nhân sự hay lãnh đạo doanh nghiệp, bà Thanh Nguyễn cho rằng phương pháp trị liệu hữu hiệu nhất là cần có cách nhìn nhân văn với họ. Theo đó, cần phải hiểu zombie là trạng thái mà ở đó doanh nghiệp không khơi gợi được tinh thần để họ yêu công việc. Họ đang ở nhóm rất không gắn kết, thờ ơ, cần phải khơi gợi mong muốn cống hiến và hiểu được động lực phát triển của họ là gì.
Bên cạnh đó, có thể dùng công nghệ làm những khảo sát thường xuyên để biết nhóm A, nhóm B này có vấn đề gì để đưa ra chính sách tốt hơn. Đồng thời, không chỉ người làm nhân sự mà lãnh đạo cũng phải làm tốt công việc nhân sự, biết nhân viên đang tắc ở đâu, đau ở đâu, đưa ra giải pháp, khơi gợi họ cống hiến. "Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những gợi ý chung chung, để giải quyết những bài toán nhân sự mới vẫn là "câu hỏi triệu đô" đang cần tìm lời giải" – bà Thanh Nguyễn nói.
Bình luận (0)