Có lẽ vấn đề cải cách tiền lương nói riêng và tăng thu nhập cho giáo viên nói chung mang nhiều trăn trở nhất trong nhiều năm qua. Từ câu chuyện này cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập tác động sâu rộng đến đời sống như dạy thêm học thêm, tăng các khoản thu ngoài quy định, tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa không cần thiết…
Xã hội tuy có bức xúc nhưng ở góc nhìn khác cũng phải nghĩ lại: Khi giáo viên khó sống bằng nghề thì việc tìm cách tăng thêm thu nhập là giải pháp khó tránh khỏi. Phụ huynh không thể viển vông rằng thầy cô giáo có thể sống chật vật để chăm lo chu toàn, dạy dỗ tận tâm cho con cái của mình. Tăng thu nhập chính thức từ các cơ chế chính sách vĩ mô của Nhà nước là bài toán bắt buộc và trước hết để làm tiền đề cải cách cho toàn nền giáo dục.
Dân số tăng từng năm, cũng đồng nghĩa số lượng học sinh sẽ tăng từng năm và bài toán thiếu giáo viên luôn hiện hữu. Căn nguyên của nó chính là nỗi lo thu nhập không đủ để giữ được lửa nghề nên nhiều ước mơ đứng trên bục giảng phải đành gác lại. Mở chính sách ưu đãi, hỗ trợ bằng nhiều cách nhưng số người học ngành sư phạm vẫn luôn không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Thực tế này đáng lo ngại khi dự báo một viễn cảnh cải cách giáo dục bị chậm chân vì thiếu giáo viên.
Chủ trương tăng thu nhập cho giáo viên đã được thực hiện và gần nhất là đợt cải cách tiền lương áp dụng từ đầu tháng 7-2024. Đây là tin vui cho hơn 1 triệu giáo viên hiện hữu. Nhiều địa phương khác như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng cũng có chính sách đặc thù giữ chân và thu hút giáo viên cũng đã được áp dụng. Tuy vậy, xét trên bình diện chung của cả nước, thu nhập của giáo viên vẫn chưa tương xứng với trách nhiệm, sự kỳ vọng và sự tận tâm cho thế hệ trẻ mà xã hội đặt lên vai của nhà giáo.
Đã xác định giáo dục là quốc sách thì không có lý do gì không chăm lo chu đáo cho chính những người đứng trên bục giảng - vị trí trung tâm của quốc sách. Chúng ta có chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế, có cơ chế đặc thù cho từng địa phương... thì sao phải ngần ngại về chính sách đặc biệt cho giáo viên? Đầu tư cho giáo dục không hấp dẫn như các ngành khác, bởi hiệu quả không hiển hiện trực tiếp, trước mắt. Nó sẽ có ích lợi lâu dài mang tính cải biến xã hội mà chỉ có thể thấy được qua từng thế hệ. Lợi ích này bền vững và vun đắp căn cơ của cả quốc gia nên không cho phép trì hoãn.
Cải thiện thu nhập cho giáo viên là bước đầu và bước kế tiếp cũng quan trọng không kém chính là nâng cao vị thế người thầy trong xã hội. Vị thế này đã được xác định từ ngàn xưa, phải được củng cố trong hiện tại và tiếp tục xây dựng trong tương lai.
Trách nhiệm của Nhà nước, xã hội là tạo mọi điều kiện để giáo viên không chỉ sống được với nghề mà họ còn được an tâm với con đường đã chọn và tự hào với những mùa quả ngọt mà hôm nay họ đang vun trồng. Đây chính sự đầu tư cho tương lai trên bình diện quốc gia và cho từng thành viên của mỗi gia đình.
Bình luận (0)