Điểm đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết lần này là đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các quận, phường của TP Hải Phòng. Hiện TP Hải Phòng có 7 quận và 66 phường.
Chính quyền địa phương ở các quận tại TP Hải Phòng là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chính quyền địa phương ở phường tại TP Hải Phòng là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
HĐND được duy trì ở cấp thành phố. Theo đó, chính quyền địa phương ở TP Hải Phòng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND TP và UBND TP.
Như vậy, sau Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng, thì TP Hải Phòng là địa phương tiếp theo tiến tới thực hiện chính quyền đô thị, bỏ HĐND cấp quận, phường.
Theo Bộ Nội vụ, TP Hải Phòng đã từng là 1 trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số26/2008/QH12 ngày 15-11-2008 của Quốc hội. Trong thời gian thực hiện thí điểm, hoạt động của bộ máy chính quyền ở các địa phương thực hiện thí điểm ổn định đi vào nền nếp, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Sau quá trình thí điểm nêu trên, Bộ Nội vụ đánh giá việc không tổ chức HĐND quận, phường đã giảm tổ chức, giảm đầu mối, giảm hội họp, giảm biên chế chuyên trách và phục vụ tại các huyện, quận, phường, giảm chi cho hoạt động, giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính và thời gian, hạn chế tính hình thức, giảm việc ban hành nghị quyết, nhất là trong phê duyệt quyết toán, quyết định phân bổ, điều hành ngân sách của huyện, quận, phường.
Bộ Nội vụ cũng nhìn nhận khi không tổ chức HĐND quận, phường, sau khi có nghị quyết của cấp ủy cùng cấp, UBND triển khai được ngay, không phải chờ thông qua HĐND. UBND cấp trên điều hành trực tiếp UBND cấp dưới, việc chỉ đạo thể hiện rõ tính hành chính trong cơ quan nhà nước.
Theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị theo phương án không tổ chức HĐND quận, phường đạt được mục tiêu tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động hiệu quả tạo điều kiện thúc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn TP. Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế, giảm được phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp đại biểu HĐND ở quận và phường.
Cơ quan soạn thảo đề xuất Nghị quyết khi được thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng bắt đầu từ nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Bình luận (0)