Người đàn bà lam lũ, cầm theo lá đơn với nhiều chữ ký của các con đến bổ sung vào hồ sơ khởi kiện cậu con trai út dùng thủ đoạn chiếm đoạt căn nhà của mẹ và đuổi bà ra đường. Trước khi vào phiên tòa, trông bà tuy mệt mỏi nhưng đôi mắt vẫn còn ánh lên niềm hy vọng mình sẽ thắng kiện. Bà nói: “Đó là căn nhà của tôi, nơi tôi thờ ông ấy. Mất nó, tôi và ông ấy có nước ra đường ở hay sao”?
Giờ xử án đã đến, chủ tọa phiên tòa yêu cầu nguyên đơn là bà Trần Thị Q ở xã T.T trình bày. Trước tòa, người đàn bà run rẩy thưa. Căn nhà 100 m2 nằm ngay mặt đường trung tâm của xã, đây là tài sản của gia đình chồng cho hai vợ chồng bà từ ngày mới cưới. Sau khi người chồng qua đời khoảng 30 năm, bà mới đi làm sổ đỏ.
Bà sinh được 4 người con, cả 3 đã có gia đình riêng và đi ở nơi khác. Bà ở với vợ chồng cậu con trai út. Mấy anh em cũng có ý định sau này sẽ cho cậu út làm nhà tự chứ tuyệt nhiên không được bán. Cách đây 2 tháng, do cần vốn làm ăn nên vợ chồng cậu út muốn vay một số tiền lớn nhưng ngân hàng không đồng ý thế chấp sổ đỏ bởi bà đã cao tuổi. Thấy thế, cậu út bàn: “Mẹ sang tên cho vợ chồng con để tiện vay tiền chứ căn nhà vẫn là của mẹ". Nghe cũng phải lại chẳng nghi ngờ con nên bà đồng ý ra xã chuyển quyền sử dụng mang tên cậu con trai. Anh H, cán bộ địa chính là người quen, khi biết chuyện đã khuyên: “Cô Q phải viết một giấy tay ghi rõ chỉ cho mượn tên để dễ vay tiền ngân hàng làm ăn chứ không cho ngôi nhà phòng khi cậu con trai thay lòng. Bà nói: “Tôi đã mắng cho anh ta một trận, dám nghĩ xấu về con trai mình như thế. Con tôi là đứa hiền lành, hiếu thảo sao có thể lừa cả mẹ mình”?
Thủ tục sang tên nhanh chóng được làm chỉ gần một tháng sau đó. Nhưng từ khi có sổ đỏ mang tên mình rồi, bà nhận thấy thái độ của cô con dâu khang khác. Trong một lần, em ruột bà sang chơi, thấy thái độ khinh khỉnh của cô con dâu bà đã góp ý. Bất ngờ, bà nhận được phản ứng: “Đây là nhà của vợ chồng tôi, tôi muốn chào ai thì tùy”. Và chỉ một tháng sau đó, lấy cớ gây lộn với bà, hai vợ chồng đã nhẫn tâm đuổi mẹ ra đường, rao bán căn nhà 1 tỷ 500 triệu đồng.
Không nơi tá túc, đến ngày giỗ của chồng, bà đã gọi thợ phá khóa vào để dọn dẹp bàn thờ và nhang khói cho ông, cô con dâu to tiếng: “Bà dám bẻ khóa vào nhà tôi, tôi gọi người còng cổ bà lại”. Uất ức, bà đã làm đơn ra tòa để đòi lại căn nhà.
Nghe bà trình bày xong, phía chủ tọa phiên tòa hỏi, bà có giấy tờ gì làm chứng việc mình chỉ sang tên giả cho cậu con trai đi vay tiền. Bà nói mẹ con chỉ thỏa thuận miệng với nhau.
Phía hai vợ chồng cậu út nói không hề có chuyện đó, là mẹ tự nguyện muốn cho. Vị luật sư nhìn cuốn sổ đỏ nói: “Sổ đỏ mang tên cấp cho bà nên bà toàn quyền muốn cho ai cũng được. Thời gian chồng bà mất đã 30 năm nên các người con khác cũng hết thời gian kiện đòi quyền thừa kế.
Nhìn bà, luật sư, thẩm phán quan tòa cũng đều hiểu người mẹ ấy đã nói đúng sự thật nhưng họ vẫn không thể xử cho bà thắng kiện.
Lời cuối cùng của vị thẩm phán vang lên: “Chỉ còn một cách ngôi nhà vẫn thuộc quyền sử hữu của bà...”. Người đàn bà đang rũ như tàu lá héo, bỗng bất ngờ tươi tỉnh lạ thường, ngẩng lên chờ đợi câu nói tiếp theo của vị thẩm phán: “...Đó là lương tâm của người con trai thức tỉnh”. Nghe thế, đứa con dâu mặt trở nên vênh váo, còn cậu con trai cúi gằm mặt không dám nhìn lên. Bà nhìn con trai với ánh mắt van lơn, cầu cứu... thời gian nặng nề như ngừng trôi. Cậu con trai đưa mắt nhìn vợ, sau cái lắc đầu cự tuyệt, anh ta nói: “Tôi sẽ đưa cho mẹ 200 triệu đồng để mua căn nhà khác”. Bà sụp xuống ôm mặt nghẹn ngào: “Trời ơi! vậy là tôi mất nhà rồi. Ông ơi! vợ chồng mình từ nay ra đường mà ở”. Tiếng khóc nức nở vỡ òa không kìm nổi, ai có mặt hôm ấy cũng thấy xót xa đến não lòng.
Bình luận (0)