Những chiếc đó, dụng cụ để bắt cá thài bai, bám đầy mạng nhện nằm chỏng chơ trên mái nhà xiêu vẹo. Tấm mành tre cũ mục nơi hiên nhà. Còn những người gắn bó với nghề săn cá thài bai trên sông Trà Khúc một thời, giờ đã không còn mặn mà với nghề sông nước như xưa. Những con cá thài bai bây giờ xa ngái...
“Ông cá thài bai”
Tiết trời se lạnh của tháng ba là lúc ngư phủ lội từng khúc sông Trà Khúc để bắt cá thài bai. Nhưng năm nay, lão ngư Từ Đi (60 tuổi), ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vẫn treo đó, cất mành ở nhà. Trên con đường gập ghềnh dọc bờ sông, chúng tôi tìm đến nhà ông.
Lúi húi với từng bó cỏ cho đàn bò ăn, gặp chúng tôi, ông bỗng ngập ngừng. “Tính mua cá thài bai hả? Mấy chú về đi, không có cá đâu”. Có lẽ, nhìn chúng tôi tay xách, nách mang ba lô, nên ông Đi cứ ngỡ là dân buôn cá. Khi biết chuyện, ông cười buồn: “Tui bỏ nghề rồi”.
Những chiếc đó gắn bó cả đời với cha con ông Đi giờ đã cũ kĩ.
Căn nhà ông Đi cũ kĩ, phủ đầy lớp bụi đất đỏ vì nằm trên hành lang tuyến đường lớn chạy về phía biển đang được xây dựng. Thế nhưng, ngôi nhà ấy có được cũng là nhờ quãng đời gần 50 năm gắn bó với nghề bắt cá thài bai. Đến thôn Gia Hòa, hỏi ông Đi, ai cũng nói đúng một câu: “Ông Đi đánh cá thài bai đó hả?”.
Ông Đi là một trong số ít người có tiếng với nghề săn cá thài bai trên sông Trà Khúc từ trước đến giờ. Khi chúng tôi nhắc đến nghề gia truyền này, mắt ông Đi nhìn xa hun hút. Trong đầu ông gợi nhớ về những ngày xa xưa.
Lúc ông chưa tròn mười tám tuổi đã theo cha ngang dọc sông Trà. Những mẻ cá thài bai trĩu nặng đôi vai, lòng thì tràn đầy niềm vui sướng. Tiếng quẫy nước của từng đàn cá đã trở thành âm thanh gắn bó với ông cả quãng đời dài.
Chiếc đó được xem là “bí kíp” để có những mùa cá thài bai trúng lớn. Không phải ai cũng có thể đan được chiếc đó đều răm rắp. Đôi tay ông Đi giơ lên, hạ xuống bên chiếc đó rêu phong để chỉ chúng tôi sự tỉ mỉ khi đan chiếc đó này.
Ông Đi nói đều như nhặt hạt: “Thật khó để nói lên chiếc đó được làm công phu như thế nào. Nó giống như cái lồng chim được làm từ những nan tre vót rất khéo bện lại. Chiếc đó dùng để bắt cá thài bai có đường kính và chiều cao chừng 1m, được ghép từ những chiếc tăm tre tròn trịa, đều đặn, được bện bằng sợi dây cước nhỏ. Giữa các thanh dọc, kẽ hở phải cách thật đều để tiếng nước nhẹ nhàng như nhau.
Những chiếc đó này là do cha tôi làm đã hơn chục năm rồi. Tre được chọn từ những đoạn tre già thẳng dọc bờ sông. Sở dĩ chiếc đó nhìn mỏng manh nhưng có thể sử dụng đến hai ba chục năm là khi hết mùa đánh cá, tôi lại tìm cây sim bóc vỏ, chà lấy nước rồi bôi lên đó”.
Nhìn chiếc đó được làm rất công phu tỉ mẩn, có thể hiểu vì sao, cùng vùng sông nước nhưng không mấy người săn được cá thài bai. Không chỉ chiếc đó, những tấm mành tre chắn dòng nước chảy để lùa cá vào cũng không kém phần quan trọng. Chỉ những người có kinh nghiệm mới chọn được nơi đặt đó để dụ cá thài bai vào.
Đâu rồi con cá thài bai...
Hào hứng giới thiệu chúng tôi những kỹ năng để bắt cá thài bai, nhưng khi nói về việc gắn bó với nghề này trong tương lai, ông Đi xịu hẳn. Đưa ánh mắt nhìn chục chiếc đó cuốn đầy mạng nhện trên trần nhà, ông Đi buồn rười rượi.
Ông Đi kể giọng đầy nghẹn ngào: “Cách đây 3 năm, không hiểu vì sao loại cá thài bai đến mùa mà lại cứ thưa dần. Năm kia thôi, tôi vẫn ra sông thăm dò, đặt đó. Thế nhưng, hết ngày nọ qua ngày kia, lũ cá thài bai vẫn bặt vô âm tín. Vậy là tôi quyết định cất đó, treo mành, không đi săn cá thài bai nữa. Mới đó mà đã hai cái Tết”.
Ông Đi lý giải cho việc cá thài bai bây giờ thưa thớt là do đập nước Thạch Nham ngăn sông Trà Khúc nơi thượng nguồn, rồi lũ lụt thay đổi dòng chảy, nguồn nước bị ô nhiễm, nước biển tràn lên xâm nhập mặn, nên cá thài bai không còn nơi sinh sống như trước nữa. Ông Đi chỉ tay về phía dòng sông, chép miệng: “Mùa này nước mặn đã lên tới đây rồi thì cá đâu nữa mà bắt...”.
Cá thài bai là loại cá rất đặc biệt. Không chỉ vì nó rất nhỏ, mà dòng đời, nơi sinh sống… cũng rất lạ. Cá này được sinh trưởng và phát triển vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng.
Những ấu trùng của cá bống đẻ trong cát trôi theo dòng nước về phía biển. Tại vùng nước lợ, nơi gặp nhau giữa nước biển và nước sông, trứng được nở ra. Sau đó, chúng đi từng đàn ngược về phía thượng lưu để sinh sống.
Ông Đi cho biết, cá thài bai sinh sống chủ yếu ở khu vực từ thôn Lâm Lộc ở phía đông đến thôn Gia Hòa ở phía tây xã Tịnh Long, dọc sông Trà Khúc. Nhưng bây giờ, vùng này đã rất hiếm hoi lũ cá thài bai.
Ông Đi kể, cách đây 5 năm về trước, cứ đến mùa, mỗi ngày ông thả đó, bắt được hàng trăm ký cá thài bai. Ăn không hết đem bán lấy tiền. Ngày đó, người ta đến tận nhà để mua. Mỗi chén cá thài bai mới bắt lên (khoảng vài lạng) được bán với giá mấy chục ngàn đồng. Tiền triệu có trong tay sau mỗi ngày ra sông săn cá.
Còn bây giờ, nhiều người của các khách sạn, nhà hàng trên thành phố Quảng Ngãi xuống đây cứ hỏi thăm hoài nhưng đành chịu. Thậm chí, đứa con của ông đi làm ăn trong miền Nam điện về nói ba gửi vô cho con ít cá thài bai để ăn, nhưng cũng tìm không ra.
Cuộc sống nay đã khác xưa rất nhiều. Tự nhiên cũng biến động không ngừng khiến cho môi trường thay đổi. Nghề săn cá thài bai đã trở thành ký ức. Cháu con của họ không còn được biết đến cái nghề mà một thời cha ông họ đã gắn bó. Con cá thài bai nơi hạ nguồn sông Trà Khúc là món ăn thân quen, một đặc sản nổi tiếng của quê hương. Giờ đây, đàn cá thài bai cứ bặt tăm nơi nào. Loại đặc sản nổi tiếng của quê nhà sẽ trở thành nỗi nhớ nhung của thời dĩ vãng. Mai này có còn ai cắm nò đứng đợi .
Bình luận (0)