Tại bản dự thảo nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương đã xóa bỏ nội dung đề xuất trước đó là "ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán". Thay vào đó, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư nếu có vào hệ thống điện quốc gia. Đề xuất lần này có thể hiểu là "bình mới rượu cũ". Người dân, doanh nghiệp không có cơ hội bán sản lượng điện mái nhà dư cho ngành điện, chỉ khác là được lựa chọn phát miễn phí hay không phát vào hệ thống điện quốc gia.
Đầu tư trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần yếu tố quan trọng nhất là thị trường. Khuyến khích người dân tự đầu tư lắp đặt nhưng không có cơ chế ưu đãi thì mục tiêu phủ điện áp mái đến 50% hộ dân trên toàn quốc có thể là bất khả thi. Bởi chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái không hề nhỏ trong khi khấu hao sử dụng ở quy mô hộ gia đình hằng tháng lại không lớn, cần rất nhiều thời gian để có thể hoàn vốn. Chưa kể, sản lượng điện dư thừa nếu không được nhà nước mua lại và người dân không tự nguyện phát miễn phí lên lưới thì sẽ "tự tiêu" một cách lãng phí.
Về phía ngành điện, việc tiếp nhận nguồn điện từ dân cư lên lưới có mặt lợi là giảm đầu tư nguồn mới, giảm chi phí truyền tải khi có nguồn điện tại chỗ, tận dụng được năng lượng sạch để giảm phát thải nhà kính, tận dụng được nguồn lực trong dân. Thế nhưng, mặt hại là phải tiết giảm hoặc ngừng các tổ máy phát điện để có thể tiếp nhận một nguồn điện khác, gánh nặng điều độ, điều áp dưới tải gia tăng khi điện dư thừa vào thời điểm thấp điểm buổi trưa và không phát được vào thời gian cao điểm buổi chiều tối.
Nhìn từ thực trạng lưới điện quốc gia, mặc dù phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ giúp giảm tải song nếu tất cả đều lắp đặt thừa công suất để phát lên hệ thống thì áp lực cho lưới là rất lớn. Do đó, loại hình này nếu cho phát lên lưới thì cần giới hạn công suất ở mức hợp lý với thực tế từng giai đoạn đầu tư phát triển lưới điện để không gây khó cho công tác điều độ.
Ngược lại, cũng cần có cơ chế ưu đãi thực chất đối với hộ gia đình lắp đặt điện mái nhà để khuyến khích đầu tư. Trước mắt, nên xây dựng cơ chế cho phép điện mặt trời áp mái được tham gia thị trường mua bán điện tự do, cụ thể là mua bán trực tiếp giữa bên sản xuất với bên tiêu thụ để có thể thu hồi vốn. Rộng hơn, thị trường mua bán điện tự do nên được phát triển đồng bộ với tất cả loại hình nguồn điện và cần xem là lựa chọn duy nhất để điều chỉnh cung - cầu và bảo đảm minh bạch, công bằng. Dù rằng thị trường điện bị giới hạn bởi yếu tố kỹ thuật và yêu cầu đặc biệt về an toàn lưới điện song chỉ trong mô hình cạnh tranh tự do, quyền lợi của người tiêu dùng mới được bảo đảm.
Bình luận (0)