Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26-11. Dự thảo luật lần này đã bỏ quy định hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật...; sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim được hưởng thuế suất thuế GTGT 5%; tăng lên mức 10%.
Đề xuất mức thuế 3%
Đối mặt với việc có thể phải chịu mức thuế GTGT gấp đôi hiện nay nếu dự thảo luật được thông qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại TP HCM - nơi có lực lượng sản xuất điện ảnh đông đảo - đã đồng loạt kiến nghị. Thông qua văn bản chung gửi đến Quốc hội và Chính phủ, những người làm nghề mong mỏi cơ quan quản lý chưa tăng thuế trong thời điểm ngành văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng vẫn còn muôn vàn khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, sau đại dịch, nhiều hoạt động điện ảnh đến nay vẫn chưa phục hồi. Số lượng phim Việt ra rạp hằng năm không cao. Số lượng khán giả đến rạp cũng chưa bứt phá. Bên cạnh một vài phim Việt gặt hái doanh thu cao là hàng loạt tác phẩm thua lỗ...
"Trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam còn đối diện nhiều khó khăn lại đang chuyển mình để phát triển, cùng với các chính sách đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đề ra, chính sách thuế nên "khoan thư sức dân" để người dân có cơ hội sử dụng các dịch vụ văn hóa chất lượng cao; doanh nghiệp có cơ hội phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đề xuất thuế suất thuế GTGT cho hoạt động điện ảnh là 3%" - các doanh nghiệp điện ảnh kiến nghị.
Đạo diễn - nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh dẫn chứng trong các phim Việt, ngoài tác phẩm của đạo diễn Trấn Thành và đạo diễn Lý Hải thì nhiều phim luôn chật vật tìm cách hòa vốn. Từ những phim nghệ thuật đoạt giải cao ở các liên hoan quốc tế, như "Bên trong tổ kén vàng", đến những phim thương mại được đầu tư tốn kém, được nhiều nhà phê bình và khán giả đánh giá cao, như "Ngày xưa có một chuyện tình", vẫn gặp khó khăn trong việc hòa vốn ở thị trường trong nước.
Nhiều ý kiến lo ngại việc tăng thuế sẽ khiến những nhà làm phim muốn đầu tư bài bản cho tác phẩm phải xem xét lại, dẫn đến việc khó thúc đẩy sự đa dạng, phong phú của điện ảnh Việt.
Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, giá vé xem phim tại Việt Nam hiện rẻ hơn mặt bằng chung các nước trong khu vực. "Tuy giá vé xem phim rẻ nhưng lượng khán giả Việt đến rạp lại không đông như ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Nếu tăng thuế, giá vé xem phim tại rạp sẽ tăng, khán giả sẽ ít ra rạp hơn" - bà băn khoăn.
Cần sự hỗ trợ
Ông Hoàng Quân - từng sản xuất các phim: "Bắc kim thang", "Kẻ ăn hồn", "Cám"… - cho rằng sau đại dịch, khán giả đang dần quay lại rạp phim, thị trường điện ảnh Việt hiện trong giai đoạn hồi phục. Đây là thời điểm mà lĩnh vực điện ảnh cần sự hỗ trợ.
Theo ông Quân, tăng thuế trong thời điểm này có thể dẫn đến việc nhà đầu tư cắt giảm ngân sách sản xuất (điều chỉnh các hạng mục quan trọng như kỹ xảo, phục trang, âm nhạc, phúc lợi nhân sự...), ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tác phẩm. Chi phí marketing cũng có thể bị xem xét cắt giảm, khiến phim gặp khó khăn trong việc quảng bá, giảm sức cạnh tranh tại phòng vé.
"Khi thuế tăng, giá vé có thể phải tăng để bù đắp chi phí, tạo rào cản với khán giả trẻ hoặc người có thu nhập trung bình, làm giảm cơ hội tiếp cận phim, tác động đến quyết định đầu tư của nhà làm phim. Thuế tăng sẽ kéo giảm lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ ngần ngại rót vốn vào các dự án không phải "bom tấn" hoặc có yếu tố rủi ro cao như phim lịch sử hay chuyển thể" - nhà sản xuất Hoàng Quân phân tích.
Ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này nêu rõ: "Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa".
Chiến lược cũng xác định 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm điện ảnh; đồng thời đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2030. Đến nay, việc phát triển công nghiệp văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm; nhiều tọa đàm, hội thảo tìm kiếm giải pháp đã được tổ chức. Năm 2023, Chính phủ đã tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm nghiên cứu, giải quyết những vấn đề về cơ chế, chính sách; tạo hành lang pháp lý hỗ trợ và đồng hành với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo trực tiếp tham gia các lĩnh vực...
Để công nghiệp văn hóa nói chung, lĩnh vực điện ảnh nói riêng phát triển, nhiều người trong giới mong mỏi chưa nên thực hiện việc tăng thuế. Nhà sản xuất - đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng điện ảnh vốn là một trong những lĩnh vực mạo hiểm khi đầu tư sản xuất, bởi phim thắng doanh thu phòng vé thì ít, lỗ thì nhiều. Nếu tăng thuế, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc lại hướng đầu tư vào lĩnh vực này, bởi khả năng thu lợi đầy rủi ro. Họ sẽ chuyển hướng đầu tư sang những ngành, lĩnh vực khác.
"Tôi mong sẽ không tăng thuế đối với lĩnh vực điện ảnh và ngành công nghiệp văn hóa nói chung, nếu giảm được thì quá tốt. Các nước trong khu vực, như Thái Lan, đầu tư rất nhiều cho điện ảnh. Họ có chính sách hoàn thuế hấp dẫn, thu hút nhiều đoàn phim nước ngoài chọn Thái Lan làm bối cảnh quay. Khi các đoàn phim đến ăn uống, sử dụng lao động địa phương, quảng bá cảnh đẹp thiên nhiên, con người trên màn ảnh rộng sẽ giúp Thái Lan thu lại nguồn lợi du lịch lớn. Các nhà làm phim Thái Lan cũng có cơ hội học hỏi và phim nước này đang dần xuất khẩu" - ông Võ Thanh Hòa so sánh.
TP HCM đang được kỳ vọng trở thành "thành phố điện ảnh" (film city) và gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO. Nhiều ý kiến cho rằng nếu tăng thuế GTGT với ngành công nghiệp văn hóa thì "thành phố điện ảnh" cũng sẽ khó thành hiện thực.
Bình luận (0)