xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Ông lớn” không minh bạch

Phương Nhung - Tô Hà

Trước việc nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước không nghiêm túc báo cáo công bố thông tin, giới chuyên gia cho rằng nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước là rất lớn vì không có cơ chế kiểm soát

Theo báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước không công bố đầy đủ các thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Chỉ một doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc

Bộ KH-ĐT cho biết tính đến ngày 20-9, mới chỉ có 7 DN báo cáo công bố thông tin, trong đó chỉ 1 DN thực hiện nghiêm túc và đầy đủ theo quy định là Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Trong số 432 DN bắt buộc công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin DNNN thì chỉ 140 DN thực hiện song cũng thực hiện một trong những báo cáo theo quy định đề ra.

Đáng nói là không chỉ tỉ lệ DNNN thực hiện công bố thông tin còn rất thấp; quy trình công bố thông tin cũng chưa đúng quy định; nội dung thông tin công bố sơ sài, chưa đầy đủ. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện nay, chỉ 87/432 DN công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2016 (chiếm 20% số DN được yêu cầu). Trong đó, 55/432 DN thực hiện báo cáo đánh giá kế hoạch kinh doanh hằng năm và 3 năm gần nhất (đạt 12% số DN yêu cầu); 34/432 DN công bố báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích, trách nhiệm xã hội năm 2015 (chiếm gần 8%); 77/432 DN công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới năm 2015 (17,8%); 64/432 DN công bố báo cáo tài chính năm 2015 (14,8%)...

Bộ KH-ĐT cũng chỉ ra trong 31 tập đoàn và tổng công ty nhà nước lớn phải thực hiện công bố thông tin, hầu hết chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định. Trong số này, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam... chưa thực hiện công khai bất cứ nội dung nào về công bố thông tin.

Riêng về báo cáo tài chính năm 2015, một số “ông lớn” như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy, Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, MobiFone… đến nay vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, tính đến hết tháng 7-2016, Bộ KH-ĐT mới nhận được công văn trả lời của 7/22 bộ - ngành, 24/63 địa phương và 16/31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về thực hiện nội dung báo cáo theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP.

img

Viện đủ lý do

Nghị định 81/2015/NĐ-CP ban hành ngày 18-9-2015, có hiệu lực từ ngày 5-11-2015. Tại nghị định này, DNNN là tập đoàn, tổng công ty phải có trách nhiệm công bố định kỳ 9 thông tin, trong đó có chiến lược phát triển; kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tình hình đầu tư phát triển hằng năm, 5 năm; báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm. Chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Nghị định 81 có hiệu lực thi hành, DN phải công bố thông tin bằng văn bản, dữ liệu gửi về Bộ KH-ĐT. Tuy nhiên đến nay, nhiều “ông lớn” vẫn phớt lờ nghĩa vụ do nhiều nguyên nhân.

VATM được đánh giá là thực hiện đầy đủ các báo cáo thông tin. Thế nhưng, khi được hỏi lý do vì sao nhiều DNNN không thực hiện đầy đủ báo cáo, đại diện VATM giải thích vì đây là lần đầu tiên thực hiện công bố thông tin, nội dung phải công bố bao hàm hầu hết các hoạt động của DN như công tác tài chính, công tác tổ chức cán bộ - lao động, công tác kế hoạch - đầu tư… nên DN gặp một số khó khăn. Việc theo dõi và cập nhật những thông tin để thực hiện công bố cũng phải thường xuyên. Bên cạnh đó, địa chỉ hòm thư nhận thông tin công bố info@business.gov.vn của Cổng Thông tin DN thuộc Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT) đôi lúc gặp trục trặc…

Ngoài những lý do trên, còn có nguyên nhân khác mà theo phản ánh của DN là tuy họ đã làm các báo cáo thông tin theo quy định nhưng do bộ chủ quản phê duyệt không được nhanh chóng, dẫn đến việc công bố có phần chậm trễ.

Các DN cũng cho rằng đến thời điểm hiện tại, nhiều DNNN chưa thực hiện đầy đủ việc công bố thông tin có lý do lớn nhất vẫn là việc nghiên cứu chưa kỹ quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP nên còn lúng túng, chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Hơn nữa, nhiều cán bộ, chuyên viên của các DNNN chưa nghiên cứu kỹ quy trình thực hiện công bố thông tin theo quy định.

Việc công bố thông tin là rất quan trọng để biết rõ “sức khỏe” DN; trên cơ sở đó kiểm soát hoạt động tài chính, đầu tư, chuyển nhượng vốn, các hoạt động tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN. Do vậy, dù với lý do gì, việc chậm báo cáo, báo cáo không đầy đủ thông tin phản ánh tính minh bạch của DNNN đang còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Người đứng đầu sẽ bị kỷ luật

Nghị định 81/2015/NĐ-CP nêu rõ người đứng đầu sẽ bị khiển trách hoặc cảnh cáo nếu cơ quan không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin và nội dung công bố thông tin không trung thực. Trường hợp người đại diện vốn nhà nước, chủ tịch tập đoàn, tổng công ty không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo dẫn đến tình hình hoạt động của DN lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI):

Dễ thất thoát tài sản nhà nước

Theo cơ chế hiện nay, các bộ, địa phương đều cử cán bộ ở DN thực hiện chức năng giám sát nhưng các DN vẫn phớt lờ công bố thông tin. Dư luận đặt vấn đề những cán bộ quản lý vốn nhà nước của bộ hoặc của địa phương làm gì, vai trò của họ ở đâu, họ không làm được hay coi thường kỷ cương phép nước khi không thực hiện chức năng của mình?... Họ là người đại diện cho nhân dân quản lý tài sản của nhân dân nhưng lại không chấp hành quy định.

Tôi cho rằng trước hết, Bộ Tài chính cần nghiêm túc thực hiện Nghị định 81/2015/NĐ-CP, yêu cầu các DN trực thuộc phải công bố thông tin để làm gương vì đây là cơ quan quản lý vốn và tài sản quốc gia. Trước đây, VAFI từng đề nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện tình hình tài chính của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và cách chức người đứng đầu nếu tiếp tục vi phạm chế độ công bố thông tin cho nhà đầu tư. Như thế, để nói rằng ngay tại cơ quan quản lý sự minh bạch cũng không thực hiện minh bạch thông tin thì nói gì đến các đơn vị, DN khác. Căn bệnh này vẫn còn đang kéo dài chưa có hồi kết nếu chế tài không được thực hiện nghiêm. Khi việc minh bạch thông tin không được thực hiện, nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước là rất lớn vì không có cơ chế kiểm soát. Nếu minh bạch thông tin, nhiều vụ việc có thể đã được phát hiện sớm hơn, hạn chế thiệt hại về tài sản nhà nước.

Ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch HĐTV VATM:

Quy chế rõ ràng, công bố đầy đủ

Việc công bố thông tin theo yêu cầu của Chính phủ là rất quan trọng. Do đó, chúng tôi công bố đầy đủ các nội dung thông tin định kỳ; cũng báo cáo một số thông tin bất thường về thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi người quản lý DN, về sắp xếp mô hình tổ chức.

Để làm được việc này, ngay từ khi Nghị định 81/2015/NĐ-CP ban hành, HĐTV VATM đã giao Ban Kiểm soát nội bộ chủ trì xây dựng quy chế công bố thông tin của tổng công ty. Trong đó, quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan chủ trì thực hiện; đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị liên quan. Nhờ đó, khi phát sinh nội dung phải thực hiện công bố thông tin đều được chuẩn bị kịp thời, đầy đủ và chu đáo. VATM có hạ tầng về công nghệ thông tin đầy đủ để hỗ trợ kịp thời cho các cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ công bố thông tin của tổng công ty.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh:

Cần có chế tài, xử lý nghiêm

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 81 là bước tiến bộ rất quan trọng trong giám sát hoạt động của DNNN, qua đó mới biết hoạt động của loại hình DN này lỗ - lãi ra sao. Song kế hoạch một nhưng thực hiện phải mười thì mới có hiệu quả. Chính phủ ban hành nghị định nhưng không có cơ quan giám sát, đôn đốc, bộ chủ quản không có ý kiến gì thì khó mà thực hiện được. Các bộ - ngành liên quan cần báo cáo Chính phủ để kịp thời có ý kiến chỉ đạo. Đối với các DN không thực hiện báo cáo đầy đủ, cần có chế tài, xử lý nghiêm nhưng cũng phải quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu là gì. Một chủ trương tiến bộ, được dư luận hết sức hoan nghênh, kỳ vọng tạo ra sự công khai, minh bạch trong hoạt động của DNNN, từ đó thúc đẩy làm ăn hiệu quả nhưng không thực hiện được vì bệnh “trên bảo dưới không nghe” thì thật đáng tiếc!.

T.Hà ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo