Tôi học tài chính kế toán nhưng nghề tay trái là hướng dẫn viên du lịch bán chuyên nghiệp. Gọi là bán chuyên nghiệp bởi tôi chỉ dẫn những bạn bè quen là người nước ngoài theo kiểu A giới thiệu B rồi B giới thiệu C.
Gần 10 năm dẫn các bạn ngoại quốc đi chơi khắp mọi miền của Việt Nam với biết bao nhiêu buồn vui trong nghề, nếu kể thì chắc chẳng bao giờ hết về những bất cập trong cách làm du lịch của người Việt mình.
Những câu chuyện tôi kể dưới đây xảy ra với chính tôi trong quá trình dẫn khách mà nhiều lúc chẳng biết nên cười hay nên khóc. Người nước ngoài tuy không hiểu tiếng Việt nhưng cử chỉ và điệu bộ của những người làm du lịch Việt cũng đủ làm cho họ khó chịu đến thế nào.
Chuyện thứ nhất: Một người bạn Thái Lan thích mua mặt hàng ba lô khoác vai của Việt Nam (thật ra toàn là hàng Trung Quốc) ở khu vực phố cổ Hà Nội nên nhờ tôi dẫn đi. Vừa mới đến cửa, chị bán hàng đã xua tay: “Em ơi, ở đây chị không bán cho khách Á”. Bạn Thái Lan hỏi sao vậy, tôi dịch lại nguyên văn. Vậy là bạn thở dài buồn bã: “Thái Lan đâu có vậy!”.
Chuyện thứ hai: Dẫn khách Tây thì được tiếp đón niềm nở, trong khi khách châu Á lại bị hờ hững. Chuyện này không hiếm gặp ở các nhà hàng, quán bar hay các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Vì họ nghĩ khách châu Âu, Mỹ sẽ đưa tiền hoa hồng nhiều hơn. Khách Tây hay uống bia trong quán bar nên họ cũng chẳng mặn mà và thường tỏ ngay thái độ, từ chủ quán cho đến nhân viên phục vụ.
Chuyện thứ ba: Trên mỗi con tàu thăm vịnh Hạ Long (tàu bình dân) đều có 1 thợ ảnh . Thợ ảnh này ngoài thời gian chụp thì giúp tàu các công việc lặt vặt. Tôi dẫn đoàn khách Lào 10 người lên tàu ăn uống và thăm vịnh. Đoàn nhờ anh thợ ảnh cầm máy của họ để chụp hộ. Anh này cầm và nghiêng máy lên hứng ánh sáng khiến các tấm ảnh cháy đen. Cuối cùng, đoàn phải chụp bằng máy của anh thợ này với giá 30.000 đồng/tấm. Anh ta còn tự động rửa thêm vài tấm và nài nỉ khách mua với giá 10.000 đồng/tấm.
Chuyện lái xe "lườm" hướng dẫn viên và thả khách giữa đường: Suốt một thời gian dài làm hướng dẫn, tôi sợ nhất ánh mắt “lườm” của các tài xế. Không phải khách nào họ cũng gửi tiền tip (tiền bồi dưỡng) cho lái xe. Lúc đó, hướng dẫn viên là người chịu trận vì khách họ không biết tiếng Việt và họ cũng không phải bắt buộc làm điều đó vì đã chi trả tiền cho các dịch vụ từ trước.
Câu chuyện xảy ra với đoàn khách Lào kể trên. Theo lịch trình là đoàn khách được đưa về nơi đón ban đầu là Trường Ngoại Thương Hà Nội nhưng do những vị khách này không đưa tiền tip nên anh tài xế đã lạnh lùng thả họ ngay phố cổ, buộc công ty ghép tour phải gọi taxi chở những vị khách này về địa điểm đã thỏa thuận....
Du lịch Việt chụp giật từ thành phố lớn đến miền quê theo kiểu dây chuyền: “Nó (du khách) đến rồi đó, ta phải "tận diệt" thôi”. Từ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khu tham quan nghỉ dưỡng với biết bao điều bất cập từ chặt chém, o ép nài nỉ, thậm chi cả đe dọa du khách và hướng dẫn viên. Bên cạnh đó là sự bắt tay của đội ngũ hướng dẫn viên không có tay nghề, thiếu đạo đức với các nhà cung cấp dịch vụ, cánh tài xế thiếu đạo đức. Luật pháp chưa nghiêm minh tạo nên một bức tranh cho ngành du lịch hiện tại: “Một đi chẳng bao giờ trở lại”.
Bình luận (0)