Bằng nỗ lực và tiến bộ không ngừng, những năm qua y khoa Việt Nam liên tục khắc những dấu son lên bản đồ y học thế giới.
Nhưng ngành y cũng đang gặp phải nhiều vấn đề nan giải, cần xã hội thấu cảm và cần Nhà nước giải quyết bằng chính sách pháp luật.
Hai vấn đề nổi cộm hiện nay chính là nguồn nhân lực và quy định pháp lý về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư...
Dù làn sóng nghỉ việc, bỏ việc hoặc chuyển việc từ khối y tế công lập sang tư nhân (vì thu nhập cao hơn, điều kiện làm việc thoáng hơn) đến nay đã giảm lắng so với giai đoạn ngay sau đại dịch COVID-19, nhưng tình trạng "chảy máu chất xám" vẫn còn âm ỉ. Nguyên nhân chính vẫn là do chế độ cho đội ngũ cán bộ, viên chức trong ngành chưa tương xứng. Có những bệnh viện lớn, hạng đặc biệt, mà trong mấy năm liền thí điểm cơ chế tự chủ tài chính toàn diện thì "yếu" hẳn vì nguồn thu giảm, lại vướng cơ chế liên doanh, liên kết nên không xoay xở gì được, bác sĩ giỏi thay nhau xin thôi việc, cơ sở vật chất xuống cấp… Tất cả những điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám, chữa bệnh và quyền lợi bệnh nhân, nhất là những trường hợp khó khăn mắc bạo bệnh. Trong khi đó, đào tạo nhân lực cho ngành y cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hồi giữa năm 2023, Bộ Y tế cho biết riêng mảng y tế dự phòng, cả nước đang thiếu đến gần 24.000 nhân sự! Phải sớm sửa đổi chính sách tiền lương cho nhân viên y tế, đồng bộ với việc tháo gỡ những điểm nghẽn ngăn trở sự vận hành và phát triển của ngành nhiều năm qua.
Điểm nghẽn lớn đó là quy định về đấu thầu. Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu năm 2023 về lựa chọn nhà thầu. Vào đầu 2023, sau hàng loạt phản ánh từ nhiều cơ sở y tế về tình trạng thiếu thuốc, nhất là thuốc hiếm, thuốc đặc trị và mắc kẹt về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuê máy xét nghiệm…, giải pháp tạm thời đã được đưa ra là Nghị quyết 30/NQ-CP (ban hành ngày 4-3-2023) cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Cụ thể hóa Nghị quyết 30 là Thông tư 14/2023/TT-BYT (ngày 30-6-2023) hướng dẫn đấu thầu rút gọn. Nhờ đó, tình hình mấy tháng qua đã bớt căng thẳng. Nhưng Thông tư 14 chỉ có hiệu lực trong 6 tháng (từ ngày 1-7-2023 đến hết năm 2023), như vậy nguy cơ tái diễn tình trạng cũ đang xảy đến trước mắt.
Vì thế, cần gấp rút hoàn tất dự thảo Nghị định nêu trên để sớm ban hành; và nội dung Nghị định này phải bám sát những vấn đề thực tiễn để bảo đảm các yêu cầu: phân cấp phân quyền mạnh mẽ, rút ngắn thời gian và thủ tục, minh bạch, rõ trách nhiệm, ưu tiên đấu thầu thuốc tập trung, bảo đảm chất lượng và ngăn ngừa tiêu cực.
Tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho ngành y, tạo điều kiện tốt nhất để người trong ngành làm việc và cống hiến, đó chính là hành động thiết thực nhất để tôn vinh người thầy thuốc và nghề cao quý này.
Bình luận (0)