Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Từ thực tiễn tổng kết Luật Công đoàn 2012, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống đoàn viên - lao động cũng như hoạt động sản xuất -kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 29 quy định trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất - kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn theo điểm b, khoản 1 của điều này (tức là kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động) thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, một trong những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đó là hoàn thiện cơ chế tài chính Công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Trong đó, việc bổ sung quy định tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn nhằm bảo đảm tính linh hoạt; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục được sản xuất - kinh doanh, duy trì được việc làm cho người lao động trong những giai đoạn, những tình huống đặc biệt khó khăn.
Nội dung này nhận được sự đồng tình của đa số cán bộ Công đoàn. Ông L.K.H, Chủ tịch Công đoàn một công ty sản xuất giày da tại TP HCM, cho rằng việc tạm dừng đóng kinh phí khi DN gặp phải khó khăn cho thấy sự đồng hành của tổ chức Công đoàn với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng thì luật cần quy định rõ hơn các tiêu chí xác định doanh nghiệp khó khăn và mức độ khó khăn dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn, để làm căn cứ miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí cũng như thời gian tối đa được miễn, giảm, tạm dừng đóng.
Mặt khác, cần làm rõ trong thời gian doanh nghiệp được miễn hoặc tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn thì Công đoàn cấp trên có được sử dụng nguồn tài chính Công đoàn để chăm lo cho đoàn viên tại các đơn vị này hay không?
Bình luận (0)