Trước sự bùng nổ của thiết bị, công nghệ di động, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ trong nước đang nỗ lực phát triển các ứng dụng di động (mobile apps) để cung cấp cho DN và người dùng. Nhiều DN đang chuyển hướng dùng phương tiện tiếp cận khách hàng đa dạng này để tiếp thị sản phẩm, bán hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Các ứng dụng di động đang được thường xuyên cải tiến để thu hút người dùng
Hàng nội dần chiếm lại thị trường
Với mobile apps, người dùng dễ dàng truy cập các sản phẩm dịch vụ của DN ngay trên điện thoại, mua sắm hàng hóa mọi lúc mọi nơi theo nhu cầu, thường xuyên nhận thông tin về sản phẩm, các chương trình khuyến mãi, tương tác với đơn vị cung cấp dịch vụ ngay khi cài đặt ứng dụng hay chia sẻ thông tin cho bạn bè trên mạng xã hội. Mobile apps là kênh để DN tương tác trực tiếp với khách hàng, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh doanh số bán hàng. Ngoài ra, DN có thể kết hợp ứng dụng tiện ích này với các kênh truyền thông xã hội để cung cấp và khuyến khích khách hàng dùng dịch vụ.
Tại Việt Nam, nếu như vài năm trước, những nhà cung cấp mobile apps ngoại như Viber, Line, Kakao Talk, WhatsApp… chiếm thế thượng phong thì gần đây, ứng dụng của các nhà phát triển trong nước đang dần chiếm lại thị phần. Ứng dụng Zalo do Công ty VNG phát triển cho phép người dùng dễ dàng chat, nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí từ smartphone kết nối WiFi, 3G. Cuối tháng 5 vừa rồi, ứng dụng này đạt mức 30 triệu người dùng, 400 triệu tin nhắn qua hệ thống mỗi ngày.
FPT Telecom phát triển FPT Play cho người dùng xem truyền hình, phim, bóng đá... trực tuyến.
Theo đại diện MobiFone, VinaPhone, 2 nhà mạng này đã phát hành ứng dụng My MobiFone, My VinaPhone cho khách hàng tra cứu thông tin cập nhật về khuyến mãi, tài khoản, cước, nạp tiền và đăng ký/hủy các dịch vụ, phản hồi chất lượng dịch vụ… Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty M-Service - nhà phát triển giải pháp thanh toán trên di động MoMo, cho biết: “Chúng tôi đã phát triển ví điện tử MoMo trên di động nhằm giúp khách hàng có thể chuyển các khoản tiền nhỏ, thanh toán các loại hóa đơn thông thường, mua vé xem phim, ebook… Trong tháng 9 vừa qua, ứng dụng này đã được xếp vị trí số 1 trong Top các ứng dụng miễn phí trên kho ứng dụng Apple AppStore tại Việt Nam. Đây là một khích lệ rất lớn cho các ứng dụng do Việt Nam phát triển.
Cạnh tranh gay gắt với ứng dụng ngoại
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DN phát triển mobile apps trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với DN ngoại có tiềm lực tài chính, công nghệ mạnh. DN nội gặp nhiều thách thức từ khâu lựa chọn ý tưởng, sự khan hiếm nguồn nhân lực đến công tác quảng bá sản phẩm khi lên kho ứng dụng. Do đó hiện nay, doanh thu từ app chủ yếu là quảng cáo và rất ít ứng dụng có thể tự phát sinh lợi nhuận. Việc xây dựng một ứng dụng cho khách hàng trải nghiệm tốt về sản phẩm, dịch vụ là không dễ dàng. Cũng theo các chuyên gia, có nhiều nền tảng ứng dụng (Android, iOS, Windows Phone…), trong khi mỗi nền tảng có yêu cầu phương thức xây dựng ứng dụng riêng.
Ông Lâm Quang Vinh, Giám đốc điều hành Muabannhanh.com, cho biết: “Một mobile apps tốt, thu hút người dùng phải bảo đảm nguyên tắc một chạm tìm được thông tin, sản phẩm mong muốn, đồng thời việc tải ứng dụng phải nhanh, kể cả khi dùng mạng 3G với tốc độ giới hạn. Trải nghiệm của người dùng mang tính quyết định sự thành công cho một mobile apps. Trước khi đưa công cụ lên kho ứng dụng, DN phát triển cần hoàn thiện giao diện sao cho thân thiện, dễ sử dụng. Khi có nhiều người tải ứng dụng, DN có thể cải thiện vị trí xếp hạng của mình trên các cửa hàng ứng dụng để thu hút người dùng”.
Ông Lê Trọng Đức, Giám đốc sáng tạo Trung tâm Dịch vụ số FPT Telecom, cho rằng: “Có nhiều phương pháp mà các nhà phát triển có thể nhận biết nhu cầu thật về ứng dụng của mình. Nếu người dùng có nhu cầu cao, nhà phát triển mới quảng bá và chuyển đổi từ miễn phí sang trả tiền. Nên ngừng sớm hoặc chuyển hướng nhanh khi nhận thấy ứng dụng khó thu hút người dùng. Để ứng dụng đạt thứ hạng cao, trước nhất là ứng dụng phải tốt, sau đó cần có các kỹ năng growth hacking (đột phá tăng trưởng) và chiến lược quảng bá tổng thể để được nhiều người cài đặt. Sau đó, cần duy trì thứ hạng liên tục và cung cấp thêm nội dung hoặc các lợi ích dành cho người dùng. Ngoài ra, cần chú ý đến các kỹ thuật App Store Otimization (ASO - tối ưu hóa tìm kiếm trên kho tải) để giúp ứng dụng đạt thứ hạng cao về số người dùng tìm kiếm”.
Ứng dụng nội vẫn còn ít
Ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc công nghệ của FPT, cho hay: “Việt Nam đang bắt nhịp nhanh xu hướng phát triển và sử dụng mobile apps. Tuy vậy, các cơ sở đào tạo mảng lập trình chuyển mình hơi chậm trong việc dẫn dắt, định hướng kiến thức và kỹ năng viết mobile apps cho người học. Đa số ứng dụng được viết qua sự tìm hiểu, học hỏi từ bạn bè, nhu cầu người dùng trên các diễn đàn. Những sản phẩm do người Việt phát triển và dành riêng cho người dùng Việt còn quá ít”. Theo thống kê của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin VINASA, sản phẩm nội hiện chỉ khoảng hơn 12.000. Con số này là quá ít so với các ứng dụng ngoại hiện có trên Microsoft Windows Store là hơn 600.000, Apple App Store là 1,5 triệu hay Google Play là 1,6 triệu.
Bình luận (0)