Trước nhu cầu mua sắm các thiết bị di động ngày càng tăng, vừa qua tại TP HCM, Hiệp hội Thương mại Điện tử (TMĐT) Việt Nam (Vecom), Intel Việt Nam cùng 500 doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi nhằm xây dựng mô hình “liên minh TMĐT”. Theo đó, các công ty chuyên về hạ tầng website, giải pháp quản lý bán hàng… sẽ hợp tác với chủ cửa hàng, DN kinh doanh, sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ: vận chuyển, giao hàng… cùng khởi động xây dựng mô hình bán hàng qua mạng khép kín cho người tiêu dùng.
Cung cấp dịch vụ trọn gói
Theo các DN TMĐT, mô hình liên minh sẽ kết nối, tập hợp đối tác nhằm phát huy những điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của nhau để đẩy mạnh hoạt động TMĐT tốt hơn: Những DN, cửa hàng nhỏ có điều kiện tham gia bán hàng qua mạng bài bản, thuận lợi, lo ngại của khách hàng sẽ được giải quyết để thúc đẩy việc bán hàng nhanh hơn...
Hãng điện thoại di động Mobiistar, Thế Giới Di Động và M_Services cũng đã công bố liên minh TMĐT. Mobiistar cung cấp sản phẩm, Thế Giới Di Động bán hàng và giao hàng đến người tiêu dùng, còn M_Services với ứng dụng MoMo sẽ cung cấp cho khách hàng giải pháp thanh toán di động. Ngày 7-9, liên minh này đã chính thức “khởi động” tại thị trường Việt Nam qua việc Thế Giới Di Động bắt đầu bán ra các sản phẩm của đối tác trong liên minh này.
Trước đó, sàn TMĐT Sendo.vn cũng đã ra mắt ứng dụng mua sắm di động, trên cơ sở liên kết với Giaohangnhanh.vn (giao nhận hàng hóa), Tienphongbank (dịch vụ tài chính), Haravan (cung cấp nền tảng website) và Senpay (thanh toán)… để cung cấp giải pháp bán hàng trọn gói đến cho khách hàng. Mô hình này được kỳ vọng tối ưu quy trình bán hàng, giúp khách hàng mua sắm dễ dàng, nhận hàng nhanh và thanh toán an toàn hơn.
Liên minh, liên kết cùng nhau để làm TMĐT trong bối cảnh như hiện nay, theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT M_Services, khi một DN hoạt động có cộng đồng hỗ trợ, từ cung cấp hàng hóa, công nghệ, phân phối, cho đến cung ứng các giải pháp thanh toán…, hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn so với những DN hoạt động độc lập.
Tập trung vào di động
Ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc sàn TMĐT Sendo.vn, cho biết TMĐT trên di động (mobile) sẽ là động lực phát triển của ngành TMĐT Việt Nam. Hiện tại, 60% khách hàng truy cập vào Sendo.vn là trên các thiết bị di động. “Chúng tôi đánh giá tỉ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng lên đến 75% vào năm sau. Trên thế giới, các công ty TMĐT hiện tập trung đẩy mạnh vào các ứng dụng trên di động như Amazon, eBay… Mobile-online (chỉ phát triển ứng dụng di động, bỏ qua phát triển web) là một xu hướng ngày càng phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới” - ông Linh nhận định.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng điện thoại Công ty Thế Giới Di động, hơn 50% lượt truy cập Thegioididong.com đến từ thiết bị di động và tỉ lệ bán hàng qua mạng đạt gần 10% tổng lượng đơn hàng nên công ty xem việc tối ưu các bước tìm kiếm, thanh toán cho di động là một bước đi quan trọng. Tương tự với sàn TMĐT Lazada, lượng truy cập trên di động vào Lazada.vn tăng mạnh so với truy cập từ máy tính và tăng gấp 8 lần so với năm 2014. Còn với Zalora Việt Nam, truy cập từ thiết bị di động hiện đã lên 40% và ứng dụng thông minh (App) là 15%, lượng đơn hàng lần lượt là 20% và 25%, doanh thu 15% và 30%.
Ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Haravan, cho biết: “Hiện nay, công nghệ di động (mobile) là xu hướng ứng dụng không thể thiếu trong kinh doanh. Làm TMĐT trên di động sẽ giúp giảm đáng kể chi phí. Sắp tới, Haravan sẽ hướng tới mobile nhiều hơn”.
Theo ông Trần Hải Linh, để phát triển tốt TMĐT trên di động, DN cần chú trọng đến thói quen mua sắm của người dùng như: giờ mua hàng, hình thức ưa thích và thời gian mua… Website phải bảo đảm giao diện thân thiện, có phiên bản cho mobile. Google đánh giá rất cao các website có phiên bản cho mobile, vì thế DN nên đầu tư vào responsive web (khả năng phản hồi của website), đây cũng là cách giúp giữ thứ hạng trên Google. Bên cạnh đó, phải chú trọng hình thức tiếp cận khách hàng qua di động cũng như nghĩ cách quảng bá phù hợp với thiết bị di động- ông Trần Hải Linh tư vấn thêm.
Mua sắm di động tăng trưởng nhanh
Theo kết quả khảo sát mua sắm qua di động của MasterCard công bố gần đây, Việt Nam đạt sự tăng trưởng nhanh chóng, xếp thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với số người đã thực hiện mua sắm qua smartphone tăng từ 34,9% năm 2013 lên 45,2% năm 2014, gần mức trung bình 45,6% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo MasterCard, tiện lợi là yếu tố chính thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm trên smartphone, bên cạnh các lý do khác bao gồm khả năng mua sắm mọi lúc mọi nơi (43,9%) và sự xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng hỗ trợ mua sắm trực tuyến (39,5%). Cục TMĐT và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến từ các nhà quản lý, DN để sớm hoàn thiện thông tư quy định về quản lý hoạt động TMĐT trên nền tảng di động nhằm hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT.
Bình luận (0)