“Nhận làm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp III... Đảm bảo uy tín, kín đáo... Giao hàng tận nơi mới thanh toán. Liên hệ 09xxxxxxxx.
Chắc chắn bạn sẽ hài lòng” là nội dung tin nhắn đang được gửi đến nhiều thuê bao di động, khiến người nhận phải giật mình khi đọc tin. Lượng tin nhắn dạng này gửi đến điện thoại di động, lan tràn trên các mạng xã hội, trên Internet ngày càng nhiều, làm xã hội mệt mỏi...
Công khai trắng trợn
Trước giờ, những loại hình làm bằng giả, giấy tờ giả thường hoạt động rất kín kẽ, bí mật, ngay cả người có nhu cầu cũng không dễ dàng tìm ra “dịch vụ” làm cho mình.
Xử lý hình sự nếu tái vi phạm
Theo luật sư Lê Thành Kính (Đoàn luật sư TP HCM), hành vi tiếp thị “dịch vụ” làm bằng giả qua tin nhắn SMS là vi phạm pháp luật và hoàn toàn có thể xử lý hành chính theo quy định pháp luật.
Hơn nữa, nếu đối tượng vi phạm đã bị xử phạt nhưng vẫn bất chấp pháp luật tiếp tục thực hiện hoạt động nhắn tin rao bán bằng giả đến người dùng di động thì có thể bị xử lý hình sự.
Nhưng nay với Internet và di động, dịch vụ phạm pháp này trở nên công khai hơn. Chỉ cần vào Google gõ tìm kiếm cụm từ "dịch vụ làm bằng giả", ngay lập tức hàng trăm nghìn địa chỉ mạng xuất hiện trước mắt người dùng.
Từ bằng đại học đến bằng lái xe, từ giá rẻ đến chất lượng giá cao, từ một vài tỉnh thành đến phạm vi toàn quốc, người dùng muốn là có ngay, không phải tìm đâu xa.
Dịch vụ làm bằng giả công khai như một ngành nghề chính thức trong xã hội.
Gần đây, những kẻ làm bằng giả còn trắng trợn hơn khi gửi thẳng tin nhắn đến điện thoại di động của người dùng. Không còn ngồi chờ khách hàng tìm đến với mình, những đối tượng này đã chủ động đi tiếp thị dịch vụ.
Trong các tin nhắn gửi đi, bên cạnh các nội dung quảng cáo về việc làm bằng giá rẻ, chất lượng, đảm bảo, người cung cấp dịch vụ còn công khai luôn số di động để khách hàng tiện liên lạc.
Lần theo một trong các số điện thoại rao bán bằng giả, chúng tôi tìm ra địa chỉ web “làm bằng đại học pro - chuyên nghiệp”.
Tại đây, giá một bằng đại học chỉ có 4 triệu đồng nhưng “đảm bảo 100% bằng đại học là thật, không có sai sót hay có thể phân biệt được đâu là giả hay thật. Nếu bạn thấy không giống, chúng tôi sẽ hoàn trả không lấy tiền. Bằng đại học được đóng mộc nổi có tem bảy màu óng ánh hoàn toàn là thật” (!?).
Ngoài bằng đại học, dịch vụ này còn làm bằng cao đẳng, trung cấp, cấp III, chứng chỉ tiếng Anh, tin học và nhiều loại bằng liên quan khác “nhằm phục vụ nhu cầu tìm việc làm của sinh viên mới ra trường”.
Đặc biệt, dịch vụ còn cảnh báo: “Chúng tôi sẽ không lấy tiền trước nên các bạn cứ yên tâm, không lo lừa đảo đâu nhé. Nhiều trường hợp lừa đảo hiện nay như lấy tiền xong không chịu làm bằng nữa” nghe có vẻ rất uy tín!
Nhiều người dùng đã cảm thấy sốc khi nhận được những tin nhắn rao bán bằng giả công khai.
Anh Minh Đức, 40 tuổi, ở TP HCM, không tin vào mắt mình khi đọc tin nhắn rao bán bằng giả trên điện thoại của mình: “Tôi không thể ngờ một loại hình vi phạm pháp luật nghiêm trọng thế này lại xuất hiện công khai đến người dùng. Họ còn cung cấp luôn số di động để liên lạc mới thật đáng sợ. Cứ như chuyện buôn bán rau quả thường nhật ngoài chợ vậy!".
Anh Bùi Tường Linh (Q.Phú Nhuận, TP HCM) bức xúc không hiểu tại sao “loại hình kinh doanh” như trên lại được hoạt động công khai, ngay giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không thấy cơ quan chức năng nào ra tay ngăn chặn.
“Thường ngày tôi phải nhận tin nhắn rao bán bất động sản, bán SIM số đẹp khá nhiều, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi tin nhắn rao bán bằng giả gửi đến. Nếu người có nhu cầu nhận được tin này hẳn sẽ là đại họa cho xã hội” - anh Linh chia sẻ.
Chị Như Quỳnh (Q.Bình Thạnh, TP HCM) - cũng nhận được tin nhắn rao bán bằng giả - lo lắng: “Tôi không biết nếu những tin nhắn này đến với người trẻ, các bạn sinh viên hay những người đang đi học thì hậu quả sẽ như thế nào.
Người đang cần bằng cấp để xin việc, người đang khó khăn trong việc học lấy bằng... hoàn toàn có thể mua bằng ngay lập tức khi nhận tin nhắn quảng cáo, dù trước đó họ không mảy may nghĩ đến”.
Nhà mạng: không kiểm soát nội dung!
Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý triệt để những đối tượng rao bán bằng giả qua tin nhắn SMS, thách thức pháp luật, nhiều người dân đã bày tỏ mong muốn các nhà mạng di động thể hiện trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn kiểu tiếp thị trắng trợn nêu trên.
Nhiều người yêu cầu nhà mạng di động phải ngăn chặn người phát tán tin nhắn, đồng thời xử lý luôn cả thuê bao xuất hiện trong nội dung tin nhắn rao bằng giả.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Vũ Thị Lan Anh, Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng Vinaphone, cho biết việc phát hiện và xử lý tin nhắn rác hiện nay phụ thuộc các tiêu chí: tần suất, số lượng, từ khóa.
Nếu nội dung tin nhắn rác đáp ứng tất cả tiêu chí, hệ thống chống spam của Vinaphone sẽ ngay lập tức chặn tin nhắn và thực hiện khóa thuê bao phát tán tin nhắn rác.
Đối chiếu với tiêu chí từ khóa nêu trên, nội dung tin nhắn: “Nhận làm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, cấpIII... Đảm bảo uy tín, kín đáo... Giao hàng tận nơi mới thanh toán...” cho thấy không có từ khóa nào có thể đưa vào “bộ nhận diện” là tin nhắn rác.
Theo giải thích của một nhà mạng, những từ khóa trong tin nhắn trên đều phổ dụng và nếu đưa vào “bộ nhận diện”, chắc chắn hệ thống máy móc sẽ chặn lầm rất nhiều tin nhắn của người dùng thông thường. Vì vậy, tin nhắn dạng này vẫn được gửi nhận bình thường.
Đại diện Viettel thừa nhận cơ chế xử lý hiện nay theo quy định là chặn thuê bao dựa vào hành vi phát tán chủ yếu là tần suất, chứ không căn cứ vào nội dung tin nhắn (quy định về bảo mật thông tin).
Do đó, dù nhà mạng đã có hệ thống chặn tin nhắn rác, nhưng những kẻ phát tán tin nhắn rác vẫn biết cách soạn nội dung và gửi tin nhắn khéo léo để vượt qua sự kiểm soát của nhà mạng, điển hình là tin nhắn rao bán bằng giả.
Đối với số thuê bao xuất hiện trong tin nhắn, bà Lan Anh thông tin: “Nghị định 77 hiện nay mới chỉ cho phép các nhà mạng thu hồi các thuê bao phát tán tin nhắn rác, chưa có một văn bản hoặc hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khóa các thuê bao xuất hiện trong bản tin nhắn rác.
Mặt khác, nếu thực hiện khóa thuê bao xuất hiện trong bản tin nhắn rác có thể có nhiều vấn đề nảy sinh (ví dụ đối tượng có thể lấy số VIP bất kỳ, số của các lãnh đạo... cho vào nội dung tin nhắn rác để nhà mạng thực hiện khóa)”.
Đại diện MobiFone cũng cho biết nhà mạng đã hoàn thành việc đầu tư hệ thống chặn tin nhắn rác theo từ khóa và đang xây dựng bộ từ khóa để đưa vào áp dụng.
MobiFone mong thường xuyên nhận được phản ảnh về tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ khách hàng thông qua tổng đài miễn phí 18001090 hoặc các cửa hàng MobiFone trên toàn quốc.
Nhà mạng cho biết sẽ tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định và xử lý thuê bao có hành vi vi phạm pháp luật.
Phá nhiều vụ làm bằng giả
Cuối tháng 1-2015, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh đã phá một đường dây chuyên làm bằng giả.
Các đối tượng khai nhận đã làm bằng cấp giả cho rất nhiều người tại tỉnh Bình Dương, Bến Tre... với giá thấp nhất 10 triệu đồng và cao nhất 15 triệu đồng.
Trước đó, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP HCM phối hợp với Cục Nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an đã khám phá một đường dây chuyên làm giả các loại bằng cấp cho khắp tỉnh thành trong cả nước.
Theo cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận từ tháng 2-2014 đến đầu năm 2015 đã làm giả khoảng 500 bằng cấp các loại như thạc sĩ, cử nhân và bảng điểm, học bạ... với giá 6-9 triệu đồng/bằng cho nhiều người đặt mua ở nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ngãi, Cần Thơ...
Các đối tượng còn khai nhận đã công khai đăng thông tin, số điện thoại và số tài khoản trên mạng để nhận làm bằng giả từ tháng 8-2014.
Khám xét nơi ở của một trong các đối tượng, cảnh sát thu giữ 3 máy tính, 2 máy in, 39 mộc tên, 5 phôi bằng, 28 bảng điểm, 197 học bạ các loại...
Cũng trong tháng 1-2015, Công an tỉnh Bình Dương triệt phá một đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn.
Các đối tượng trong đường dây đã mở cơ sở tại một địa điểm thuộc thị xã Dĩ An và chuyên nhận làm giả bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp; các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giấy phép lái xe và nhiều loại giấy tờ khác.
Với mỗi loại giấy tờ được làm giả, các đối tượng này thu của người mua 200.000-1 triệu đồng. Khám xét nơi ở và làm việc của bốn đối tượng trong đường dây này, công an thu giữ tới 5.800 con dấu các loại và nhiều dụng cụ khác.
Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tuyên phạt một đối tượng 2 năm tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” vào cùng thời gian nêu trên.
Đại tá Lê Phước Trường - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM - cho biết vừa qua PC46 có bắt một số đối tượng sử dụng hình thức lừa đảo thông qua điện thoại.
Riêng về các đối tượng gửi tin nhắn rác để lừa đảo, làm bằng giả hiện nay thì PC46 chưa xử lý vụ nào. Tuy nhiên, nếu có thông tin cụ thể, PC46 sẽ xác minh, điều tra.
Đ.THIỆN - Đ.THANH
Bình luận (0)