Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý III/2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng tăng 4,24% so với năm trước, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Đóng góp vào mức tăng trưởng khá ấn tượng nêu trên là hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. TP HCM đã có đóng góp lớn trong mức tăng trưởng chung. Cụ thể: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố tháng 11 ước đạt 108.022,6 tỉ đồng, tăng cao so với cùng kỳ (tăng 14,6%). Lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.081.301 tỉ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn suy thoái nhẹ, đơn đặt hàng trong nước và quốc tế giảm dẫn tới hoạt động sản xuất của Việt Nam bị thu hẹp, hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Có thể thấy, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với phát triển kinh tế thành phố mà còn là động lực mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước; là giải pháp hữu hiệu để cung ứng hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Riêng Hội nghị kết nối cung cầu là sự kiện thường niên trong chuỗi hoạt động kết nối giữa TP HCM và các tỉnh, từ chỗ chỉ là hội nghị kết nối hàng hóa đơn thuần của những năm đầu, đến nay qua 11 lần tổ chức, chương trình kết nối cung cầu đã được xây dựng một cách quy mô và phong phú, đa dạng với sự tham gia của khoảng 45 tỉnh, thành phố. Thông qua các kỳ kết nối đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa và tăng trưởng bán lẻ hàng hóa; góp phần cung cấp nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước để bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường…
Nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, đề nghị lãnh đạo UBND thành phố, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu Việt. Tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến thông qua website www.ketnoicungcau.vn. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm, dịch vụ được bình chọn Thương hiệu vàng thành phố, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền…
Cùng với đó là kết hợp chặt chẽ việc triển khai chương trình kết nối cung cầu với chương trình bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường.
Thanh Nhân ghi
Bình luận (0)