Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới của cả nước. Tuy nhiên, vai trò, vị trí đóng góp của vùng Đông Nam Bộ đã và đang suy giảm liên tục trong thời gian gần đây.
Phải có người đứng đầu, dẫn dắt
Tốc độ tăng trưởng GRDP vùng Đông Nam Bộ bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 6,87% (cao hơn mức bình quân cả nước); giai đoạn 2016-2020 giảm còn 5,31% (cả nước 6,27%) và giai đoạn 2021-2022 chỉ còn 2,61%, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước (5,29%).
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Bộ giảm dần có nguyên nhân từ sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành đóng vai trò đầu tàu trong vùng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của TP HCM từ 7,22% giai đoạn 2011-2015 giảm xuống 6,4% năm 2016-2020 và chỉ còn 1,57% trong giai đoạn 2021-2022.
TP HCM càng phát triển mạnh mẽ thì vai trò đầu tàu, lan tỏa đến các tỉnh khác cũng càng mạnh, càng rộng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để khu vực này trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24/NQ-TW ngày 7-10-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ vào ngày 11-7-2023, do Thủ tướng làm Chủ tịch. Để các mục tiêu của Nghị quyết 24 thành hiện thực, cũng như hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ đạt hiệu quả, theo nhiều chuyên gia, cần một hạt nhân mạnh, một "nhạc trưởng" đúng tầm - đó chính là TP HCM.
Hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ cần đồng bộ với hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023. Tinh thần là lấy TP HCM làm đầu tàu, là trung tâm, hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ".
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH phát biểu tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, ngày 18-7-2023 ở TP HCM.
PSG-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức - Trường ĐH Việt Đức, cho rằng những chính sách, chiến lược lớn của Đông Nam Bộ sẽ do Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng quyết định; còn việc triển khai cụ thể nên giao cho TP HCM đảm trách.
"Vùng Đông Nam Bộ là một tập thể thống nhất nhưng muốn tập thể mạnh thì phải có một người đứng đầu mạnh dẫn dắt. Trong tập thể vùng Đông Nam Bộ, mỗi thành viên có vai trò khác nhau. Nếu vai trò của ai cũng giống nhau thì khó làm nên một tập thể mạnh" - PSG-TS Vũ Anh Tuấn phân tích. Vì vậy, đã đến lúc TP HCM phát huy mạnh mẽ hơn nữa, thể hiện hiệu quả hơn nữa vai trò "nhạc trưởng" của mình.
Cách đây hơn 20 năm, khi còn công tác tại Viện Kinh tế TP HCM - nay là Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, từng đề xuất một mô hình nhằm phát huy vai trò dẫn dắt của TP HCM đối với sự phát triển kinh tế toàn vùng Đông Nam Bộ.
TS Trần Du Lịch cho biết từ lâu, ông cùng các chuyên gia đã ấp ủ mong muốn làm sao để khu vực này có đủ điều kiện phát triển tương xứng với tầm vóc. Từ đầu những năm 2000, Viện Kinh tế TP HCM đã nghĩ đến việc xây dựng tứ giác phát triển - gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu - như một cực tăng trưởng. Với các chính sách phù hợp, tứ giác này có thể đạt tăng trưởng hai con số trong nhiều năm, trở thành động lực phát triển lớn. Trong đó, với vị trí địa lý, lịch sử hình thành và phát triển của mình, TP HCM có thể đóng vai trò thủ lĩnh để dẫn dắt, điều phối các nguồn lực và hỗ trợ các địa phương trong vùng vươn lên.
Chi viện sức mạnh cho các toa tàu
Nhấn mạnh vai trò hạt nhân, đầu tàu, lan tỏa của TP HCM trong vùng Đông Nam Bộ, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố, cho rằng TP HCM phải phát huy sức mạnh kinh tế nội lực của mình, bởi nó sẽ dẫn dắt sự tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Đông Nam Bộ.
"Đầu tàu phải từ sức mạnh bản thân của TP HCM. Sự phát triển của TP HCM mạnh mẽ thì vai trò đầu tàu, lan tỏa của thành phố đến các tỉnh khác càng mạnh, càng rộng. TP HCM phải chi viện sức mạnh của mình cho các toa tàu phía sau" - ông ví von.
Tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp kết nối nhiều tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, nên hiểu một cách đầy đủ hơn về vai trò trung tâm, hạt nhân, đầu tàu của TP HCM. Ông giải thích: "Vai trò đầu tàu phải bắt đầu từ năng lực thực tế của TP HCM. Trong đó, bên cạnh sự phát triển mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ là năng lực lãnh đạo, quản lý của TP HCM. Nội lực chính là điều làm nên một TP HCM không thể lẫn với các địa phương khác, mạnh hơn nhiều tỉnh, thành khác".
TS Nguyễn Hữu Nguyên nhìn nhận TP HCM cần tập trung xử lý các nút thắt, điểm nghẽn, đồng thời phát huy cao độ những thế mạnh của mình. Hai quá trình này cần làm song song. Mặt khác, TP HCM chọn đột phá phải có trọng tâm, trọng điểm để nguồn lực không bị dàn trải.
Mở rộng liên kết vùng
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong quá trình phát triển, thành phố luôn nhận thức rất rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và có trách nhiệm trong việc liên kết vùng.
TP HCM luôn nhất quán quan điểm mở rộng liên kết vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM; thể hiện vai trò, trách nhiệm vì cả nước, cùng cả nước của một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM thực hiện quy hoạch với vai trò là trung tâm của vùng, gắn với định hướng kết nối đô thị, kết cấu hạ tầng, thúc đẩy liên kết các vùng và nội vùng. TP HCM đang tập trung lập Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố, nhắm đến phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của toàn vùng, hướng tới phát triển TP HCM trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Ở cấp độ vùng, khi quy hoạch, TP HCM xác định mình là đô thị trung tâm của Đông Nam Bộ. Ở cấp độ địa phương, TP HCM quy hoạch theo hướng đa trung tâm. Cụ thể, TP HCM được quy hoạch có vai trò đầu tàu kết nối nguồn lực trong vùng, hỗ trợ chức năng đang là thế mạnh của các địa phương, phát triển các hành lang chiến lược, các cực tăng trưởng kinh tế trong vùng...
Vì vậy, dựa trên các yếu tố đặc thù vùng, đặc biệt là những thuận lợi về vị trí trung tâm, TP HCM được quy hoạch có vai trò tích hợp, thống nhất với hạ tầng giao thông vùng, các chức năng nòng cốt nhằm thúc đẩy, phân bổ hài hòa các khu vực công nghiệp, dịch vụ, kể cả nông nghiệp; tối đa hóa khả năng kết nối với các tỉnh lân cận, tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ không chỉ thành phố mà còn cho sự phát triển tiềm năng của các khu vực xung quanh. Khi cả vùng phát triển thì TP HCM cũng phát triển.
TP HCM xác định các hành lang lớn là tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 3, đường Vành đai 4; đường sắt; công trình có tính chất kết nối vùng và quốc tế là sân bay Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. "Trong quá trình quy hoạch, chúng tôi sẽ thể hiện rất rõ và tập trung bố trí đất cho việc kết nối vùng Đông Nam Bộ" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Để Đông Nam Bộ phát triển, Chủ tịch UBND TP HCM đề xuất thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông vùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vùng, Trung tâm Chuyển đổi số - đổi mới sáng tạo vùng. Ngoài ra, đề xuất các địa phương Đông Nam Bộ được thực hiện mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), được sử dụng ngân sách của mình để kết nối với các tình, thành trong việc phát triển giao thông vùng.
Đề xuất áp dụng linh hoạt Nghị quyết 98
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước việc động lực tăng trưởng của cả nước đang dần suy giảm; kết cấu hạ tầng liên kết vùng thiếu, yếu, chưa đồng bộ, nhiều chuyên gia cho rằng để Đông Nam Bộ lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, không cần nghiên cứu cơ chế, chính sách gì thêm mà nên áp dụng một vài nội dung trong Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM) cho cả vùng.
TS Trần Du Lịch phân tích: Khi áp dụng một số điểm trong Nghị quyết 98 cho cả vùng, ngân sách địa phương này có thể đầu tư qua địa phương khác đối với công trình hạ tầng đi qua các địa phương đó. Chẳng hạn, các mô hình TOD, BOT cho tuyến đường hiện hữu, hợp tác PPP về văn hóa - thể thao... thì cũng nên áp dụng cho cả Bình Dương, Đồng Nai.
Bình luận (0)