Ngày 31-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Tiền đề cho khu thương mại tự do
Thay mặt Chính phủ báo cáo tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 của QH về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đề xuất 21 chính sách phát triển TP Đà Nẵng. Trong đó có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được QH cho phép thực hiện tại các nghị quyết đặc thù; 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của TP Đà Nẵng; 5 chính sách đề xuất mới.
Một trong các chính sách mới được đề xuất là cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (điều 13, dự thảo Nghị quyết). Theo Chính phủ, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu và xác định đây là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao. Quy định các chính sách thí điểm tại khu thương mại tự do này phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, bảo đảm tính tuần tự, từng bước thí điểm kèm theo việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn.
Chính phủ cho rằng việc phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh nhấn mạnh việc thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý. Đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới. Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và của cả vùng. Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với chủ trương này.
Cần cơ chế mở
ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) tán thành việc bổ sung các chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm tại dự thảo nghị quyết này. "Việc phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo của TP Đà Nẵng là nhiệm vụ rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới không chỉ người dân Đà Nẵng mà còn với cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên" - bà Yên nói.
Bà Yên cũng đề nghị xem xét thí điểm chính sách "thị thực vàng" và việc ưu đãi thuế thu nhập đối với những cá nhân nước ngoài có chức vị, học vấn cao sinh sống, làm việc trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo do ngân sách TP đầu tư.
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cũng tán thành đề xuất thực hiện thí điểm lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, bởi nơi đây có lợi thế rất riêng như có cảng quốc tế, sân bay quốc tế, là vùng du lịch mang tầm cỡ quốc tế. TP Đà Nẵng cũng có đủ các lợi thế và điều kiện để hình thành khu thương mại tự do, là nơi có thể quy tụ được các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Cũng theo ĐB Hoàng Văn Cường, cần có những cơ chế mở hơn nữa để biến Đà Nẵng thành một khu kinh tế mở có thể thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài mạnh hơn. Nếu mô hình ở Đà Nẵng thành công sẽ tạo ra một mô hình mới ở Việt Nam trong thu hút các nguồn lực đầu tư bên ngoài; tạo cầu nối phát triển trong nước, trở thành trung tâm phát triển ở miền Trung và là mô hình lan tỏa cho các vùng khác có điều kiện trong tương lai. ĐB Cường gợi mở: "Phải biến Khu thương mại tự do Đà Nẵng thành nơi thu hút khách du lịch đến tiêu tiền, mua hàng hóa, chứ không chỉ là nơi sản xuất, luân chuyển hàng hóa thông thường".
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khu thương mại tự do là mô hình chưa có tiền lệ hay thực tiễn ở Việt Nam. Thành phố không dựa vào nguồn lực trung ương mà sẽ xây dựng chính sách để tăng tính tự chủ và huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. "Đây là việc rất mới so với địa phương khác, nếu thành công sẽ là nền tảng nhân rộng trên cả nước" - ông Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại thảo luận tổ.
4 chính sách cho tỉnh Nghệ An
Đối với tỉnh Nghệ An, bên cạnh các chính sách tương tự đã được QH cho phép áp dụng tại các địa phương khác, Chính phủ đề xuất 4 chính sách mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh. Trong đó, đề xuất cho phép Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản; được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH; cho phép UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch.
Nhiều đại biểu đồng thuận với thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) lưu ý cùng với việc giao quyền lớn, vượt trội cho địa phương, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện, tránh lạm quyền. Còn ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đề nghị cần tổng kết việc thí điểm cơ chế đặc thù cho các địa phương để biết rõ việc thực hiện phân cấp cho các địa phương hiệu quả đến đâu.
Bình luận (0)