Không "hiếm có khó tìm", bề bề là loại hải sản độc đáo, phổ biến ở vùng biển duyên hải, trong đó ngon nhất phải kể đến Quảng Ninh. Nghe thấy tên gọi, nhiều du khách sẽ cảm thấy lạ lẫm nhưng thực chất đây là cách ngư dân vùng duyên hải phía Bắc gọi con tôm tích (tôm tít, tôm búa hay con vỗ).
Loài hải sản này có vẻ ngoài khá giống tôm nhưng mang cặp càng bọ ngựa, thân thon dài và nhiều đốt. Vỏ bề bề dày, cạnh sắc nhọn và có nhiều màu sắc từ xanh lục nhạt, nâu đến đen nhạt. Khi nấu chín, bề bề sẽ chuyển thành màu tim tím, trông rất bắt mắt.
Bề bề hay còn gọi là tôm tích, tôm tít
Thịt bề bề dày, nhiều dưỡng chất nhưng lớp vỏ ngoài khá cứng nếu không biết cách lột thì sẽ mất nhiều thời gian. Cũng vì thế mà nhiều người thường ngại khâu tách vỏ bề bề. Tuy nhiên, sau khi tách thành công thì thành quả có được là những miếng thịt bề bề ngọt thơm, chắc nụi.
Du khách thường ưa chuộng thưởng thức bề bề tươi sống vừa bắt lên thuyền, để cảm nhận trọn vị mặn mòi, dày thịt, béo mẫm của chúng. Bên cạnh đó, người dân Quảng Ninh cũng nghĩ ra các cách chế biến khác nhau để tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho bề bề. Trong đó, tỏa sáng nhất là món bún bề bề trứ danh.
Theo thợ nấu lâu năm, bề bề trắng mặc dù ít thịt hơn nhưng thịt thanh mà ngọt nên rất hợp để làm món bún. Sau khi chọn được bề bề thì cần phải luộc đúng cách, để phần thịt không bị tanh, dính vào vỏ, khó bóc hoặc xơ, mất độ ngọt tự nhiên và giữ được nguyên vẹn dáng cong cong của con bề bề. Để bỏ lớp vỏ "cứng như thép" mà phần thân vẫn còn nguyên vẹn đẹp mắt cũng được coi là " nghệ thuật", thậm chí là tiêu chí đánh giá quán đó đã đạt chuẩn hay chưa.
Bún bề bề
Để có những tô bún thơm ngon thì chắc chắn không thể thiếu nước dùng được. Nước dùng cho món này là nước luộc bề bề lọc sạch, nấu cùng nước ninh xương ống. Nhiều nơi còn thêm các loại hải sản như cua, tôm… để tạo vị ngọt và hương thơm đặc trưng cho món bún.
Trên tô bún sợi trắng tinh, người nấu tỉ mỉ xếp lên những miếng thịt bề bề đẹp mắt màu tim tím. Tùy theo khẩu vị, thực khách có thể gọi thêm tôm bóc nõn đỏ au, gạch cua cam nâu, tàu hũ chiên vàng ruộm, chả cá giòn dai để ăn kèm. Nhưng cũng không nên thêm quá nhiều vì sẽ át đi vị bề bề đặc trưng.
Rau ăn kèm vô cùng đa dạng, nào là dọc mùng, cần tây, nhiều quán dùng rau cải, rau ngót, mỗi loại rau đều tạo nên hương vị vô cùng riêng biệt. Để thưởng thức món bún bề bề đúng cách, trước tiên phải dùng muỗng nếm một chút vị nước lèo đậm đà, ăn chút bùn, kèm rau rồi mới đến miếng thịt bề bề để cảm nhận hương hải sản.
Tất cả hòa quyện trong miệng, như một bản hòa tấu tuyệt vời từ lòng biển mênh mang. Từng miếng bề bề chắc thịt, dai dai, dậy vị ngọt thanh tự nhiên. Chất ngọt dịu của bề bề làm cho tô bún thêm thanh mát, đem lại sự nhẹ nhàng, thuần khiết không khác gì đang đắm chìm trong những con sóng biển sớm mai.
Còn gì lý tưởng hơn một buổi sáng dạo quanh bờ biển cát trắng trải dài, hít bầu không khí mặn mà mùi biển cùng chút nắng mai. Ghé một quán bún ven đường thơm nức mũi như mời gọi, thưởng thức bát bún bề bề đậm đà thì còn sự khởi đầu ngày mới nào hoàn mỹ hơn.
Nhiều du khách đã đến đất mỏ Quảng Ninh vài lần rồi nhưng vẫn sẵn sàng quay lại chỉ vì thương nhớ hương vị món đặc sản này. Vì vậy, nếu có dịp đến "vương quốc than", du khách đừng chần chừ gì mà hãy kiếm và thưởng thức ngay một tô bún bề bề tươi rói
Bình luận (0)