Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An, ngoài đoàn khách quốc tế đến tham quan phố cổ ngày 20-11, từ hôm Hội An mở cửa trở lại (ngày 15-11) đến nay, mỗi ngày chỉ bán được khoảng 10 vé tham quan, chủ yếu là khách lẻ.
Vắng khách
Chỉ những ngày cuối tuần, các tuyến đường trong khu phố cổ Hội An mới thấp thoáng bóng người, đa phần là các bạn trẻ từ Đà Nẵng vào chụp ảnh cưới, uống cà phê ở góc chùa Cầu hoặc ven đường Bạch Đằng. Vắng khách, các cửa hàng lưu niệm, các căn nhà trong phố cổ cửa đóng then cài khiến không khí càng thêm ảm đạm.
Nguyên nhân do Quảng Nam mưa lạnh, lũ lụt nên người dân chưa mặn mà đi du lịch. "Thường mọi năm, thời điểm này, Hội An đón khách du lịch quốc tế đến từ các nước châu Âu nhiều. Tuy nhiên, do dịch bệnh, việc đi lại khó khăn bởi các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn chưa được mở rộng rãi nên chưa thể đón khách quốc tế thường xuyên" - bà Cẩm cho biết.
Tương tự, khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) sau khi đón đoàn khách quốc tế trở lại tham quan hôm 22-11 thì tiếp tục trở lại tình cảnh vắng vẻ khi mỗi ngày số khách đến chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Tại tỉnh Quảng Bình, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sau gần 2 tháng mở lại, dù đưa ra nhiều ưu đãi, giảm giá nhưng vẫn không thoát được cảnh ế ẩm. Lượng khách sụt giảm nghiêm trọng khiến nơi này rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi vẫn phải mở cửa đón khách nhưng doanh thu lại không đủ để bù chi phí hoạt động. Khu vực bến đò sông Son - nơi dừng chân của đông đảo du khách mỗi khi đi tham quan động Phong Nha - nay chỉ có vài người, lác đác vài chiếc thuyền trên sông. Vì quá vắng khách nên các quầy bán hàng lưu niệm phải đóng cửa.
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết từ đầu tháng 11 đến nay, lượng khách quốc tế đến tham quan chỉ chưa đầy 50 người, khách trong nước chưa đến 1.000 người. Đây là con số kỷ lục nói lên sự vắng vẻ, ế ẩm chưa từng thấy trong vòng 20 năm trở lại đây.
"Doanh thu không đủ như kế hoạch đề ra khiến việc duy trì hoạt động vô cùng khó khăn. Phần lớn các homestay, khách sạn, nhà hàng... đều đã đóng cửa. Không khí tại thị trấn Phong Nha trở nên ảm đạm chưa từng thấy" - ông Thắng nhìn nhận.
Tại Công viên Ozo (Ozo Treetop Park) - một địa điểm du lịch nổi tiếng trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trước dịch Covid-19 từng đón gần 1.000 lượt khách/ngày thì nay sụt giảm 95%. "Dù đã giảm 50% giá vé và dịch vụ đi kèm nhưng người dân vẫn không có hứng thú đi du lịch vì e ngại dịch bệnh" - ông Lê Thành Lợi, thành viên HĐQT Công viên Ozo, nhận định.
Đoàn khách du lịch quốc tế tham quan Hội An hôm 20-11. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Chuẩn bị bước đệm để đón khách năm sau
Hiện Hội An mở cửa du lịch, triển khai các chương trình kích cầu chủ yếu "làm nóng" không khí, quảng bá điểm đến và tạo bàn đạp để đón khách từ năm 2022.
Sắp tới, Hội An sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động từ Noel đến Tết dương lịch để thu hút du khách như: Hội chợ ẩm thực, lễ hội lồng đèn Hội An, chương trình dạ hội chào đón năm mới... "Hy vọng thời tiết thuận lợi, dịch bệnh lắng xuống thì mọi người sẽ đi du lịch" - bà Trương Thị Ngọc Cẩm nói.
Trong khi đó, TP Đà Nẵng đã công bố sẽ đón khách quốc tế từ tháng 11 nhưng đến nay vẫn chưa có đoàn khách quốc tế nào ghé thăm. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến du khách các nước dè dặt với việc đi du lịch.
Một số đoàn khách dự kiến đến Đà Nẵng trong đầu và giữa tháng 12 này đã xin lùi lại đến cuối tháng để tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch Covid-19. "Chúng tôi đã sẵn sàng mọi thứ và không có trở ngại gì. Chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để có thể đón khách quốc tế được chu toàn nhằm thu hút du khách thời gian tới" - ông Dũng cho hay.
Hiện hơn 90% doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng chưa mở cửa và không có kế hoạch mở cửa. Địa phương thì rất mong muốn thị trường khách nhanh phục hồi để giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp nhưng hiện vẫn chưa có nhận định nào chắc chắn cho việc phục hồi vì phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình dịch bệnh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, kịch bản lạc quan của ngành du lịch hiện nay là đến năm 2024 mới có thể trở lại như năm 2019, còn nếu dịch bệnh kéo dài thì có thể phải đến năm 2025. Còn theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, ngành du lịch đã chuẩn bị mọi bước đệm để phục vụ tốt nhất cho việc mở cửa đón khách quốc tế. Trong tháng 12 này, Đà Nẵng sẽ cố gắng để đón đoàn khách quốc tế.
Thị trường khách du lịch mà Đà Nẵng hướng đến vẫn là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Các tour đón khách quốc tế do Đà Nẵng xây dựng sẽ diễn ra trong 7 ngày tại 1 địa phương. Tuy nhiên, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam để tạo điều kiện cho du khách có thể tham quan, du lịch tại 2 địa phương.
Tại buổi thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, định hướng phát triển trong năm 2022, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết năm 2022, Quảng Nam được lựa chọn là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia.
Tỉnh đang giao các đơn vị liên quan khẩn trương chủ động các phần việc để tổ chức lễ khai mạc vào cuối tháng 3-2022 với chủ đề bao trùm, xuyên suốt là du lịch xanh.
Bình luận (0)