Chiều 15-8, tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch, khu điểm du lịch và hướng dẫn viên (HDV), Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết tính đến tháng 7-2019, Đà Nẵng có tổng cộng 48 đường bay quốc tế với tần suất 462 chuyến/tuần (gồm 17 đường bay thường kỳ, 31 đường bay thuê chuyến).
Khách Hàn Quốc chiếm 57%
Trong hơn 5 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, lượng khách quốc tế đạt 1,891 triệu lượt, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018. Sở Du lịch TP Đà Nẵng dự kiến cả năm 2019 ước đạt hơn 3 triệu lượt khách quốc tế.
Khách du lịch đến Đà Nẵng trong 7 tháng đầu năm tăng mạnh
Theo ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng Phòng Quản lý lữ hành Sở Du lịch TP Đà Nẵng, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng chủ yếu từ thị trường Hàn Quốc với dự kiến đạt hơn 1 triệu lượt, chiếm 57% lượng khách quốc tế; tiếp đến là khách du lịch đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Cũng theo ông Trung, thị trường khách quốc tế tại Đà Nẵng đang từng bước đa dạng hóa với sự tăng trưởng khả quan, đặc biệt là thị trường khách Thái Lan tăng gần 43% so với năm 2018, vươn lên vị trí thứ 3 thay thế khách Nhật Bản trong cơ cấu quốc tịch khách. Các thị trường khách Đài Loan, Malaysia, Canada có tỉ lệ tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ năm 2018, một số thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Úc vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.
Tràn lan hướng dẫn viên nước ngoài trái phép
Theo thượng tá Huỳnh Đức Ngô, Phó trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an TP Đà Nẵng, TP đã ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến các tổ chức, cá nhân để cùng tham gia công tác quản lý người nước ngoài.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, Công an TP Đà Nẵng đã xử lý 191 người nước ngoài hoạt động sai mục đích nhập cảnh với tổng số tiền xử phạt gần 3,6 tỉ đồng, đồng thời trình UBND TP Đà Nẵng xử phạt 460 triệu đồng và đưa vào diện quản lý đối với 29 đối tượng nhập cảnh bằng thị thực du lịch nhưng không thực hiện đúng chương trình du lịch của công ty bảo lãnh.
"Nguyên nhân chủ yếu là do một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế bảo lãnh người nước ngoài mang tính chất dịch vụ để thu tiền nhưng không quản lý triệt để. Ngoài ra, một số người nước ngoài đến Đà Nẵng không được tư vấn các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh. Bảo lãnh người nước ngoài cho mục đích du lịch nhưng sau đó lại thả nổi, để họ tự tung tự tác" - thượng tá Huỳnh Đức Ngô nói.
Hiện Công an TP Đà Nẵng đã nắm thông tin khoảng 700 đối tượng người Hàn Quốc đang ở Đà Nẵng theo diện du lịch nhưng thực chất là để hành nghề HDV chui. Có một số doanh nghiệp mang danh lữ hành nhưng chỉ để che giấu các đối tượng Hàn Quốc nói trên.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, lượng khách tăng trưởng nhanh đã phát sinh một số tác động ảnh hưởng môi trường du lịch, ùn tắc giao thông cục bộ, ô nhiễm môi trường… Hoạt động kinh doanh lữ hành vẫn còn một số hạn chế do phát sinh tiêu cực từ tour giá rẻ. Một số đơn vị kinh doanh du lịch nội địa chưa làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh theo quy định...
Khuyến khích chữ ký số, bớt thủ tục
Tại buổi họp, nhiều đại biểu thuộc các công ty du lịch bày tỏ bức xúc về vấn đề hợp đồng của các HDV du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng HDV không nhất thiết phải luôn mang giấy phép hành nghề gốc mỗi khi tác nghiệp, thắc mắc về giá trị của hợp đồng "miệng".
Ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết HDV hành nghề phải đáp ứng 3 điều kiện theo điều 58 Luật Du lịch: có thẻ HDV du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; có hợp đồng hướng dẫn với công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch.
Bộ hoan nghênh việc sử dụng chữ ký số trong việc chứng minh tính xác thực của hợp đồng lao động và các giấy tờ liên quan. Không nhất thiết phải là giấy tờ, văn bản gốc. Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra bộ khẳng định không chấp nhận tính pháp lý của các hợp đồng "miệng" giữa doanh nghiệp lữ hành và các HDV. Tuy nhiên, bộ cũng không cứng nhắc trong quy trình kiểm tra các giấy tờ, văn bản phân công của các doanh nghiệp đối với HDV cơ hữu.
Bình luận (0)