Trong đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết giữa bối cảnh cạnh tranh với những đòi hỏi về chất lượng và năng lực hoạt động.
Nhân lực vừa thiếu vừa yếu
Với đặc thù của ngành du lịch, môi trường mà chính sự giao tiếp giữa con người là yếu tố then chốt thì nhân lực du lịch không chỉ vững nghiệp vụ, thạo kỹ năng mà ngay cả tác phong, thái độ phục vụ cũng phải thật chuyên nghiệp để phục vụ du khách với những nhu cầu, tâm lý, ngôn ngữ, văn hóa... rất khác nhau. Ước tính mỗi năm, ngành du lịch cần thêm khoảng 40.000 lao động mới, tuy nhiên, số sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch chỉ khoảng 15.000 người. Không chỉ ở TP HCM và Hà Nội - 2 thị trường tuyển dụng lớn nhất nước mà các tỉnh, thành cũng cần những nhân sự trẻ, kỹ năng vững vàng để phát triển du lịch địa phương.
Nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam không chỉ thiếu hụt ở các vị trí cao cấp như quản lý nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành... mà ngay cả lực lượng lao động trực tiếp như hướng dẫn viên, nhân viên lễ tân, bartender, phục vụ buồng... vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất và lượng.
Thực tế cho thấy đội ngũ lao động giữa các quốc gia thành viên ASEAN có sự khác biệt về kỹ năng và tính chủ động để sẵn sàng “hội nhập”. Không chỉ có nghiệp vụ vững vàng, người lao động ở các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia còn được đánh giá cao về khả năng giao tiếp ngoại ngữ, kỹ năng ứng xử, làm việc nhóm... Trong khi chúng ta có hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm do kỹ năng yếu và không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ. Dù muốn ưu tiên cho lao động Việt Nam bởi sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa nhưng nhiều khách sạn, resort buộc phải thuê nhân sự nước ngoài với mức lương cao hơn bởi những khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự trong nước giỏi kỹ năng, thạo ngoại ngữ và thái độ chuyên nghiệp.
Bên cạnh trình độ tiếng Anh chưa tốt, việc học hỏi các ngôn ngữ trong khu vực như tiếng Thái, Lào, Campuchia... rất ít được quan tâm. Đây là nguy cơ lớn cho những năm tiếp theo; người nước ngoài sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng thay chúng ta ngay tại sân nhà và lao động Việt Nam có nguy cơ bật khỏi “sân chơi AEC” nếu không “bắt nhịp” hội nhập.
Chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (Mutual Recognition Arrangement on Tourism Professionals - MRA-TP) giữa các nước thành viên ASEAN được cho là động lực quan trọng trong việc nâng cao các tiêu chuẩn của ngành du lịch và trình độ của lực lượng lao động. MRA-TP tác động đến tất cả đối tượng liên quan trong ngành du lịch, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ sở đào tạo du lịch, đặc biệt là người lao động trực tiếp và gián tiếp.
“Đào tạo nguồn nhân lực được xem là công tác sống còn của ngành du lịch” - ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đã nhiều lần nhấn mạnh trong các buổi hội thảo du lịch về vai trò và nhiệm vụ cấp thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Thọ nhận định một khi đã hội nhập AEC, nguồn lao động sẽ dịch chuyển đáng kể. Trước những thách thức mới, nguồn nhân lực du lịch phải tiếp tục được đào tạo nhanh để đáp ứng 3 yêu cầu: thái độ phục vụ vui tươi với nụ cười Việt Nam thân thiện, mến khách; kỹ năng nghề chuyên sâu theo tiêu chuẩn nghề ASEAN phát triển từ bộ tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS do dự án EU tài trợ nhiều năm qua; tổ chức học ngoại ngữ mà trước hết là tiếng Anh cho người trẻ, xem đây là ngôn ngữ hội nhập và là điều kiện để nâng cao kiến thức.
Để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của các bên liên quan thông qua việc tăng cường hoạt động quản lý, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Các trường đào tạo về du lịch phải thật sự nhạy và tiến hành thay đổi, nâng cấp đồng bộ về cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy và nội dung chương trình. Theo ThS Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, đội ngũ giảng viên - cơ sở vật chất - giáo trình đào tạo là 3 vấn đề cốt lõi được nhà trường triển khai đồng bộ trong thời gian qua. Ngoài việc chuẩn hóa kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn ASEAN; giảng viên còn phải thay đổi trong tư duy và phương pháp giảng dạy. Để mỗi giảng viên, nhân viên đều có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của quá trình hội nhập, chủ động trang bị kiến thức kinh tế - xã hội và kỹ năng giao tiếp, trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề: Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN. Sinh viên khi nhập học cũng sẽ trải qua các tiết học về hội nhập kinh tế quốc tế.
Người lao động cần vượt qua sức ì của bản thân, chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, trau dồi ngoại ngữ để tìm cơ hội cho chính mình. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo cái nhìn tích cực cho hình ảnh và uy tín của ngành du lịch Việt Nam.
Bình luận (0)