Trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch Bạc Liêu năm 2019, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào chiều 20-11 để đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2020. Cuộc họp là tiền đề cho hội nghị ký kết chương trình liên kết dự kiến tổ chức vào tháng 12-2019.
Nhân lực du lịch: "Gót chân Achilles"
Để khai thác tối đa dư địa phát triển du lịch của TP HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chương trình nhắm đến 5 đầu việc: Thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; phát triển sản phẩm; quảng bá xúc tiến; kêu gọi đầu tư; sơ kết kết quả 1 năm triển khai. Trong đó, việc phát triển các sản phẩm du lịch không chỉ nâng cấp các điểm đến hiện có mà còn đưa ra thị trường ít nhất 3 tuyến du lịch mới, đặc trưng, kết nối TP HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL.
Cơ bản đồng ý với dự thảo chương trình, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, đề nghị bổ sung 2 nội dung. Thứ nhất là định vị thương hiệu chung du lịch vùng TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. "Điểm chung của TP HCM và các địa phương ĐBSCL là có rất nhiều sông. Có thể nói đây là vùng đất của những dòng sông" - ông Trần Hùng Việt gợi ý.
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu - điểm đến tiêu biểu của du lịch ĐBSCL
Nội dung thứ hai, theo ông Việt, rất quan trọng, là đào tạo nguồn nhân lực. Bởi nếu chỉ tập trung chăm chút điểm đến, kêu gọi đầu tư nhưng thiếu nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ thì ngành du lịch cũng không thể phát triển.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho rằng nguồn nhân lực đạt chất lượng là "gót chân Achilles" của du lịch Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Vì vậy, bên cạnh hợp tác phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch, các tỉnh, TP cần liên kết đào tạo nguồn nhân lực mà trong đó, TP HCM giữ vai trò đầu tàu.
Góp ý thêm, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh đầu tư nguồn nhân lực không chỉ đơn thuần là đào tạo người có chuyên môn, nghiệp vụ mà còn hướng dẫn người dân làm du lịch để góp phần nâng cao đời sống và bảo tồn các giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống. "Người dân Hậu Giang còn thiếu tầm nhìn để làm du lịch dù rất muốn và có tiền. Vì vậy, chúng ta cần bày cho họ cách làm" - ông Lê Tiến Châu dẫn chứng.
Quyết liệt mới có hạ tầng tốt
Dù cơ hội liên kết, hợp tác, phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL rất lớn nhưng theo ông Ngô Hoài Chung, một rào cản không thể không nhắc đến là hạ tầng giao thông chưa tương xứng. Vì vậy, để ngành du lịch "cất cánh", các địa phương cần quan tâm đến việc nâng cấp hạ tầng giao thông từ đường bộ đến đường thủy, hàng không và cả đường sắt trong tương lai.
"Một tỉnh mà kiến nghị với Chính phủ về vấn đề hạ tầng giao thông thì rất khó. Vì vậy, cùng với việc "bắt tay" liên kết phát triển du lịch, các địa phương ĐBSCL cần cùng nhau kiến nghị Chính phủ trong chính sách đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy..." - ông Ngô Hoài Chung góp ý.
Đồng tình, ông Lê Tiến Châu đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL cùng quyết liệt đề nghị Chính phủ đầu tư tập trung hạ tầng giao thông cho khu vực. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận tất cả ý kiến trong cuộc họp, bổ sung vào chương trình, đồng thời khẳng định TP HCM sẽ đứng ra nhận trách nhiệm về đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho cả vùng. Riêng về định vị thương hiệu du lịch cho vùng, nhấn mạnh liên quan đến dòng Mê Kông, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định sẽ tổ chức một chuyên đề riêng.
Bạc Liêu tập trung chăm chút điểm đến "độc"
Ngày 21-11, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức buổi tọa đàm "Hợp tác, khai thác tiềm năng du lịch Bạc Liêu" với sự tham gia của lãnh đạo ngành du lịch của nhiều tỉnh, TP; các tổ chức, hiệp hội du lịch cùng đại diện nhiều đơn vị lữ hành.
10 năm trước, Bạc Liêu hầu như không có tên trên bản đồ du lịch ĐBSCL. Từ năm 2011, tỉnh này đã đẩy mạnh phát triển du lịch. Nhờ đó, lượng du khách đến địa phương tăng đều, trung bình 20%/năm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu dự buổi tọa đàm đánh giá ngành du lịch Bạc Liêu vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nhiều ý kiến cho rằng Bạc Liêu cần tập trung đầu tư, phát triển và quảng bá các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo so với các tỉnh, TP ĐBSCL như cánh đồng điện gió, khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - nơi lưu giữ, giới thiệu các giá trị của bản tình ca "Dạ cổ hoài lang", di tích nhà công tử Bạc Liêu... Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí về đêm để giữ du khách ở lại.
Dịp này, Hiệp hội Du lịch Bạc Liêu và Hiệp hội Du lịch TP HCM cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch.
Bình luận (0)