Ông TRẦN NGỌC QUÂN, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU): Thiết lập quan hệ lâu dài, tin cậy

Ngành cà phê Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh, từ sản lượng lớn, giá thành, đến tiềm năng phát triển dòng sản phẩm đặc trưng như cà phê robusta. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường EU, cần có chiến lược dài hạn và bền vững hơn. Đặc biệt, việc thiết lập các mối quan hệ làm ăn lâu dài và đáng tin cậy với đối tác tại châu Âu là điều kiện tiên quyết.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) cà phê Việt Nam đẩy mạnh thâm nhập thị trường EU, thông qua các kênh kết nối với kiều bào, DN Việt kiều, cũng như các nhà nhập khẩu và phân phối tại địa phương.
Ông VŨ VĂN THỦY, Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại phía Nam: Trụ cột trong chiến lược xuất khẩu nông sản

Lãnh đạo bộ cùng với các cơ quan Trung ương và địa phương luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của ngành. Trong đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản và các nước phát triển khác được xác định là yếu tố then chốt để duy trì lợi thế cạnh tranh dài hạn.
Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển ngành cà phê và trà theo hướng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho DN và đất nước, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia, gắn với bản sắc văn hóa tiêu dùng đặc trưng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bà BÙI HOÀNG YẾN, Phụ trách Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tại TP HCM: Đẩy mạnh yếu tố văn hóa, truyền thông

Bộ Công Thương đang kêu gọi cộng đồng DN trong chuỗi cung ứng cà phê cùng nhau đẩy mạnh yếu tố văn hóa trong từng sản phẩm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tạo sự khác biệt so với các sản phẩm đến từ Trung Quốc, châu Âu hay Mỹ Latinh.
Khi sản phẩm cà phê mang yếu tố bản sắc dân tộc, câu chuyện văn hóa và có chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân - nhà sản xuất - DN - truyền thông, đặc biệt là với sự đồng hành của báo chí, như Báo Người Lao Động, thì giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao đáng kể.
Ông TÔ ĐÌNH MỆNH, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Gigamall Việt Nam: Thành lập trung tâm trà - cà phê Việt Nam

Một sản phẩm dù chất lượng tốt và giá hợp lý nhưng nếu không có không gian trưng bày, điểm bán phù hợp sẽ rất khó tiếp cận người tiêu dùng và tạo dấu ấn thương hiệu.
Từ thực tế đó, chúng tôi kiến nghị cần thành lập Trung tâm giới thiệu trà - cà phê Việt Nam tại TP HCM với quy mô đủ lớn. Tại đây, không chỉ các thương hiệu lớn có thể hiện diện, mà cả các DN nhỏ cũng có cơ hội tham gia, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, du khách và các nhà phân phối.
Mong rằng các DN tiếp tục nỗ lực để đưa thương hiệu cà phê Việt lên tầm cao mới, để mỗi du khách khi đến Việt Nam đều có thể thưởng thức một ly cà phê đậm chất Việt - từ hương vị cho đến câu chuyện văn hóa phía sau. Khi làm được điều đó chắc chắn sẽ thắng lợi trong hành trình định vị thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông TRẦN THANH TÙNG, Giám đốc Khối Kinh doanh Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank): Thí điểm mô hình chuỗi giá trị

Trong chiến lược phát triển dài hạn, Nam A Bank xác định ngành nông - lâm - thủy - hải sản là một trong những trụ cột kinh tế chiến lược cần được ưu tiên tài trợ và đồng hành.
Nam A Bank đã triển khai thí điểm mô hình chuỗi giá trị cho ngành thủy sản và cà phê, sẽ mở rộng sang ngành trà trong thời gian tới. Cụ thể, với ngành trà, ngân hàng sẽ tham gia từ đầu chuỗi, tài trợ cho nông dân trồng trà, kết nối với DN cung cấp phân bón thân thiện môi trường nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn sản xuất xanh. Tiếp đó, hỗ trợ tài chính cho DN thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Đối với cà phê, ngân hàng định hướng hỗ trợ toàn diện từ hạt giống đến xuất khẩu, bao gồm cả cà phê nhân và cà phê chế biến, nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra và truy xuất nguồn gốc.
Ông PHẠM HÙNG VĨNH, đại diện Công ty CP Sandals Việt Nam (thương hiệu trà - cà phê Đôi Dép): Văn hóa trải nghiệm là chìa khóa

Làm sao để giữ gìn bản sắc văn hóa trà Việt, đồng thời xây dựng thương hiệu theo hướng hiện đại là bài toán khó mà DN đang nỗ lực giải. Văn hóa trà Việt đã tồn tại hàng ngàn năm. Nếu biết khai thác đúng cách, trà Việt có thể tạo dấu ấn trên thị trường quốc tế không chỉ nhờ chất lượng, mà còn nhờ chiều sâu văn hóa.
Ngành trà đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ hình ảnh truyền thống sang phong cách hiện đại, gần gũi hơn với giới trẻ. Với thương hiệu Đôi Dép, văn hóa và trải nghiệm chính là chìa khóa để nâng cao giá trị cho trà Việt.
Ông NGUYỄN NGỌC LUẬN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (thương hiệu Meet More): Bán "cà phê dạo" ra thế giới

Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu và phát triển dòng cà phê kết hợp trái cây từ khoảng 5 năm trước, với định hướng nhắm đến nhóm tiêu dùng trẻ, những khách hàng tiềm năng trong tương lai. Sản phẩm đang được thị trường quốc tế dần đón nhận.
Meet More không chỉ đơn thuần "bán cà phê" mà còn mang giá trị của nông sản Việt Nam ra thế giới. Chúng tôi gọi đó là "đi bán cà phê dạo" - nghĩa là trực tiếp tiếp cận người tiêu dùng trong và ngoài nước, chia sẻ hương vị Việt một cách gần gũi, chân thật nhất. Với đầu tư đúng hướng - từ công nghệ chế biến, máy móc đến chiến lược tiếp cận thị trường, DN Việt hoàn toàn có thể tự tin đưa nông sản vươn ra toàn cầu.
Ông NGUYỄN TIẾN DŨNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk): Nâng cao hơn nữa giá trị cho người trồng

Gần đây, khi nhu cầu phục hồi, giá cà phê tăng mạnh, giúp người trồng phần nào được hưởng lợi.
Tuy vậy, để nâng cao hơn nữa giá trị mang lại cho người trồng cà phê, cần có những hành động cụ thể.
Đối với các DN xuất khẩu, các yêu cầu mới từ thị trường EU đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn tín chỉ carbon.
Do đó, người nông dân cần được tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phát triển bền vững. Điều này không chỉ phục vụ cho xuất khẩu thô mà còn hướng đến mục tiêu sản xuất cà phê đặc sản.
Nhà báo - Tiến sĩ TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: Nhóm giải pháp phát triển ngành cà phê, trà Việt

Hội thảo do Báo Người Lao Động tổ chức hôm nay đã ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực, nếu được cơ quan chức năng tiếp thu sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho ngành cà phê Việt Nam. Báo sẽ tổng hợp và kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cho ngành cà phê và trà trong thời gian tới. Cụ thể, Báo Người Lao Động đề xuất một số nhóm giải pháp trọng tâm phát triển ngành cà phê như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tái canh và cải tạo giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng giống kháng sâu bệnh để giảm chi phí và đáp ứng yêu cầu thị trường cao cấp.
Thứ hai, phát triển mô hình canh tác bền vững, hữu cơ, giúp tăng giá trị sản phẩm và nâng giá bán từ 10%-30%.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ số, truy xuất nguồn gốc qua blockchain, QR code và sổ tay điện tử, nhằm nâng cao minh bạch và giá trị sản phẩm, tiếp cận các thị trường cao cấp.
Thứ tư, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, hạn chế trung gian, thương lái ép giá, thông qua mô hình "4 nhà" gồm nông dân, nhà khoa học, nhà nước và DN, cùng sự tham gia của nhà báo để tăng cường truyền thông.
Thứ năm, phát triển tài chính vi mô và tài chính DN, kêu gọi tổ chức tín dụng hỗ trợ nông dân, cùng giải pháp bảo hiểm cho vùng trồng.
Thứ sáu, thúc đẩy xuất khẩu cà phê chế biến sâu với sự hỗ trợ tín dụng.
Thứ bảy, tận dụng hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do, xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia.
Thứ tám, đổi mới mô hình xúc tiến thương hiệu quốc tế, tăng cường xúc tiến thương mại và xây dựng showroom tại nước ngoài.
Cuối cùng, phát triển thị trường nội địa hơn 100 triệu dân để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thô, tạo kênh tiêu thụ tiềm năng cho cà phê Việt Nam.

Bình luận (0)