Chiều 17-5, trong khuôn khổ Chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3, năm 2025 do Báo Người Lao Động tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-5, tại Gigamall, TP HCM đã hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu".
Đầu tư vào chế biến sâu
Phát biểu trực tuyến ngay tại vườn cà phê của mình ở xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nông dân Phạm Văn Đồng cho biết giá cà phê 2 năm qua tăng rất mạnh, đem lại nguồn lợi cho người trồng nói riêng và toàn ngành cà phê. Trong 5 tháng đầu năm 2025, giá tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng 130.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi và tích cực đầu tư chăm sóc vườn cây. Đặc biệt, với mô hình sản xuất hữu cơ, sản phẩm được các doanh nghiệp (DN) bao tiêu đầu ra, giúp nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê.

Các đại biểu tham dự hội thảo cùng theo dõi Báo Người Lao Động trực tuyến quy trình chế biến cà phê từ nhà máy Meet More .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, ngành cà phê Việt Nam đang hội nhập rất tốt trong những năm gần đây, với những số liệu lạc quan và kết quả tích cực. Có nhiều yếu tố góp phần vào thành công này. Về mặt quốc tế, giá cà phê thế giới tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, bất ổn địa chính trị, biến động tỉ giá hối đoái... Trong khoảng 2 năm qua, giá cà phê liên tục biến động. Sản lượng cà phê của Việt Nam hiện đạt khoảng 1,7 - 1,8 triệu tấn nên mục tiêu xuất khẩu cà phê năm nay hoàn toàn có thể vượt mốc 6 tỉ USD. "Số liệu cho thấy tỉ lệ cà phê chế biến, đặc biệt là cà phê hòa tan, ngày càng tăng. Hiện tại, khoảng 10% sản lượng cà phê được đưa vào chế biến sâu, với giá trị trung bình khoảng 6.000 USD/tấn, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới" - ông Trịnh Đức Minh nói.
Một yếu tố nổi bật của ngành cà phê thời gian gần đây là cả người dân và DN đã có cách ứng xử chuyên nghiệp hơn với thị trường. Những năm trước, thị trường thường bị mất kiểm soát, giá cả biến động mạnh và phổ biến các hợp đồng giao dịch rủi ro cao. Tuy nhiên, tình trạng này hiện nay đã được khắc phục đáng kể. Dù vậy, yếu tố khiến ngành cà phê chưa thể mang về giá trị gia tăng như kỳ vọng là tỉ lệ chế biến sâu vẫn còn thấp.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), cho rằng cần nâng tỉ lệ chế biến sâu lên 40%-45% mới bảo đảm lợi ích bền vững cho người trồng cà phê. Đồng thời, người trồng cần nâng cao năng lực thị trường, như biết phân tích xu hướng, chủ động trữ hàng và bán ra vào thời điểm giá tốt. Mục tiêu hướng đến là đưa kim ngạch toàn ngành vượt mốc 10 tỉ USD, thông qua sự kết hợp giữa xuất khẩu nguyên liệu và chế biến sâu.
Cùng với đó là các phương án dự trữ hàng hóa và chính sách hỗ trợ hợp lý để đồng hành với nông dân. "Để làm được những điều trên, cần có thị trường ổn định và cũng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn cho hệ thống nhà máy. Hiện tại, nhiều bạn trẻ Việt Nam, bao gồm cả Việt kiều, đang tích cực tham gia vào lĩnh vực này. DN nhà nước có thể đảm nhận vai trò gia công, trong khi các DN trẻ, khởi nghiệp tập trung khai phá thị trường mới... sẽ góp phần thúc đẩy ngành cà phê phát triển mạnh mẽ" - ông Nguyễn Tiến Dũng đề xuất.
Xây dựng thương hiệu, quảng bá
Với lợi thế là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, nhiều ý kiến cho rằng đến lúc Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá loại cà phê này. Theo đó, thay vì cạnh tranh với những nước sản xuất cà phê khác trên thế giới thì nên tập trung vào những sản phẩm riêng có, là thế mạnh của mình như robusta.
Ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Rang xay Chuyên nghiệp Sài Gòn (Alambé Việt Nam), gợi ý Việt Nam cần giới thiệu cà phê như là một phần văn hóa, là kết tinh của công sức, tâm huyết và đặc trưng vùng miền.
"Hiện người tiêu dùng quốc tế có xu hướng tìm kiếm những loại cà phê có hương vị mạnh, đậm đà, khác biệt so với dòng sản phẩm truyền thống trước đây. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam định vị lại hình ảnh cà phê của mình, tự hào với giống robusta đặc trưng, hương vị đậm mạnh, giá cả cạnh tranh và được sản xuất theo quy trình tự nhiên, minh bạch" - ông Gruber Alexander Lukas đề xuất.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, dẫn câu chuyện thành công của sâm Hàn Quốc và cho biết người tiêu dùng hiếm khi biết đến một thương hiệu cụ thể mà chỉ nhớ đến "sâm Hàn Quốc" - thương hiệu quốc gia. Cà phê Việt Nam cũng tương tự, dù chất lượng cao nhưng chưa có thương hiệu Việt nào thực sự nổi bật trên trường quốc tế.
"Sở Công Thương hoàn toàn có thể phối hợp cùng các hiệp hội ngành hàng và DN cà phê để tổ chức hội chợ chuyên ngành xuất khẩu cà phê. Luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các hiệp hội, DN ngành cà phê trong việc mở rộng thị phần và xây dựng thương hiệu bền vững" - ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết đang tích cực hỗ trợ quảng bá cà phê ra nước ngoài thông qua nhiều kênh xúc tiến thương mại. Theo bà Bùi Hoàng Yến, phụ trách Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tại TP HCM, hiện nay để tiếp cận được các thị trường cao cấp, sản phẩm xuất khẩu bắt buộc phải có tín chỉ carbon.
Do đó, bộ đang phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số, xuất khẩu bền vững và nâng cao kỹ năng cho DN. Thậm chí, nông dân cũng được hướng dẫn cách livestream để bán hàng hiệu quả hơn. "Cà phê Việt Nam, đặc biệt là cà phê sữa đá, đang trở thành xu hướng tiêu dùng toàn cầu trong 5 năm gần đây. Giá cà phê robusta tăng mạnh cũng nhờ vào làn sóng yêu thích đặc sản này của người tiêu dùng thế giới" - bà Bùi Hoàng Yến chia sẻ.
Phiên livestream đặc biệt
Một điểm mới của chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 là phiên livestream đặc biệt quảng bá sản phẩm cùng các DN. Sự kiện diễn ra từ 11 giờ 30 đến 15 giờ 30 ngày 18-5, với hai KOL Thiện Nhân và Duy Nhất nhằm kết nối thương hiệu cà phê - trà. Các DN đồng hành được ban tổ chức hỗ trợ tham gia miễn phí phiên livestream chuyên nghiệp và cơ hội "bùng nổ" doanh số cùng các KOL. TikTok Shop cũng tặng nhiều voucher ưu đãi hấp dẫn cho người mua, góp phần thúc đẩy doanh số và quảng bá hàng Việt chất lượng cao.

Bình luận (0)