Kết quả đo nồng độ cồn đối với ông T.T là 0,661 mg/lít khí thở - vi phạm ở mức cao nhất theo quy định.
Điều đáng nói là sau khi ra sức nài nỉ lực lượng CSGT bỏ qua cho mình, không xử lý vi phạm nhưng không được chấp nhận, ông T.T đã có nhiều hành động quá khích. Thậm chí, ông còn xé luôn biên bản xác nhận vi phạm vừa ký trước đó rồi bỏ đi. CSGT đành phải mời người làm chứng ký xác nhận vụ việc và niêm phong, tạm giữ phương tiện của ông T.T, đồng thời cho biết với vi phạm này, ông sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
"Xem như mất Tết này". Ông T.T sau đó lên mạng xã hội than thở, đồng thời xin lỗi và nhắn nhủ mọi người đừng dại dột mắc phải sai lầm như mình.
Trước đó khoảng 1 tuần, khuya 19-1, Đội CSGT Bến Thành - Phòng CSGT Công an TP HCM phát hiện ông V.A.T (ngụ quận 4) vi phạm nồng độ cồn với mức độ nhẹ. Ông A.T phân trần chiều cùng ngày, ông có uống vài ly bia nhưng chủ quan cho rằng đến tối thì nồng độ cồn "chắc đã bay hết" nên tiếp tục điều khiển phương tiện chạy xe ôm.
Với vi phạm nêu trên, ông A.T bị lập biên bản xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe 11 tháng. Hành nghề chạy xe ôm mà bị tạm giữ giấy phép lái xe, xem như ông A.T cũng "mất Tết"…
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp, tình huống dở khóc dở cười như trên đã diễn ra liên quan việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Theo một số liệu thống kê, sau hơn 2 tuần triển khai đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, từ ngày 24-11 đến 12-12-2023, lực lượng CSGT TP HCM đã lập biên bản 2.085 trường hợp vi phạm, gồm 60 người điều khiển ô tô và 2.024 người điều khiển xe máy. Trong đó, nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn còn dẫn đến thiệt hại về nhân mạng, tài sản.
Thực tế, dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền và lực lượng CSGT đã ra quân kiểm tra, xử lý quyết liệt, gắt gao nhưng tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Một khi đã được tuyên truyền, đủ nhận thức để biết rõ việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia là vi phạm mà vẫn cố tình không tuân thủ thì không có lý do gì để được dung thứ.
Tết Nguyên đán đang cận kề, là dịp mà nhiều người phải tham dự những bữa tiệc, phải tiếp xúc với rượu bia. Vui xuân nhưng làm sao để sau đó khỏi phải "mất Tết" vì trót vi phạm nồng độ cồn là chuyện tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Chuyện bị xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ giấy phép lái xe cũng không đáng sợ bằng việc gây ra tai nạn nếu như đã uống rượu bia mà còn điều khiển phương tiện giao thông. Đừng để phải "mất Tết" chỉ vì vài lon bia hoặc vài ly rượu, khi ân hận thì đã muộn.
Bình luận (0)