Trong công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính về tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản và những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính của doanh nghiệp (DN) thủy sản tháng 11-2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu rõ một trong những khó khăn mà DN thủy sản phản ánh gần đây là tình trạng có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm.
VASEP cho rằng dù cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường... dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra với tần suất quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà như hiện nay đã và đang làm phát sinh chi phí cho DN, phần nào làm gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN…
Thực trạng này đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN tại Chỉ thị số 20 của Thủ tướng ngày 17-5-2017. Theo chỉ thị này, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN. Do đó, VASEP kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp; cắt giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết đối với DN, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 20.
Cũng cần thống nhất rằng hoạt động thanh tra, kiểm tra tại DN là cần thiết đối với cơ quan quản lý nhà nước; nhất là những trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tất nhiên cần lưu ý rằng chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm; không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Các cuộc thanh tra phải theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao... Đồng thời phải kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
Qua 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, DN nhiều ngành nghề trong cả nước nỗ lực gượng dậy, hồi phục hoạt động. Tuy nhiên, nhiều DN ngành thủy sản cùng với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày đang gặp rất nhiều khó khăn: đơn hàng và giá cả sụt giảm, thiếu hụt lao động, chi phí đầu vào tăng liên tục... thì việc phải tiếp đón nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra với các cuộc làm việc hao tốn nhiều thời gian, sức lực của DN, nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp... rõ ràng là sự phiền hà, không nên có, tạo thêm áp lực và những nỗi lo toan đối với DN. Thời điểm này là lúc cần hỗ trợ, tiếp sức DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, chăm lo đời sống, việc làm của người lao động để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nên nếu có thanh tra, kiểm tra thì chỉ nên 1 lần duy nhất trong năm và có giải pháp thiết thực để hỗ trợ DN vượt khó.
Kiến nghị của VASEP cần được các cơ quan hữu trách giải quyết kịp thời để DN yên tâm sản xuất - kinh doanh, chăm lo cho người lao động trong dịp năm hết, Tết đến.
Bình luận (0)