xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dứt áo ra đi cuối năm, nên chăng?

Bài và ảnh: TRUNG NAM

Thưởng Tết liệu có còn là rào cản cho quyết định "nhảy việc" cuối năm, hay còn những yếu tố khác mà chỉ người trong cuộc mới hiểu

Cuối năm là giai đoạn cao điểm của mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh và cũng là thời điểm mà người lao động (NLĐ) mong đợi thông tin thưởng Tết. Tuy vậy, giai đoạn này vẫn có nhiều nhân sự chọn cách "nhảy việc" vì họ nhìn thấy cơ hội tốt hơn, doanh nghiệp (DN) cũng vì thế mà tranh thủ "săn nhân tài".

Mỗi người mỗi cảnh

Dự định nghỉ việc từ tháng 9 nhưng do chưa tìm được công việc phù hợp nên chị Nguyễn Trần Tú Anh (31 tuổi, ngụ Đồng Nai) vẫn chưa nộp đơn. Là nhân viên kế toán kho nhưng gần đây chị Anh còn phải làm thêm công tác nhân sự vì công ty thiếu người làm.

"Tôi hướng nội nên ngại nhất là làm việc với NLĐ. Do vậy, tôi bị stress liên tục nhiều tháng nay vì những vấn đề khiếu nại của công nhân, bảo vệ, lao công... Giờ tôi còn phải đọc các loại luật để giải đáp cho NLĐ" - chị Anh nói. 

Ngoài lý do chưa tìm được việc phù hợp, chị cũng bày tỏ rằng công ty đang khó khăn nên không muốn bỏ đi nơi đã "cưu mang" chị hơn 3 năm qua. Nhắc đến thưởng Tết, chị Anh cho biết năm nay có thể không có nhưng ông bà chủ cũng tạo điều kiện cho mọi người được đón Tết sum vầy cùng gia đình. Dự định sang năm khi công ty ổn định, chị sẽ xin nghỉ để tìm chỗ mới.

Còn anh Huỳnh Văn Đăng (33 tuổi, ngụ TP HCM) - trưởng phòng kinh doanh miền Nam của một DN hàng tiêu dùng đã "dứt áo ra đi" chỉ vì không tìm được tiếng nói chung. Anh Đăng cho biết tiền thưởng đều dành cho dịp cuối năm nhưng doanh số năm nay không thể đạt. Gần đây, anh nhận được đề nghị của một công ty đối thủ với vị trí giám đốc kinh doanh và thỏa thuận mức lương sẽ tăng thêm 50% so với khoảng lương cứng 18 triệu đồng mà anh Đăng đang nhận.

Động viên, khích lệ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động tốt hơn

Động viên, khích lệ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động tốt hơn

Đứng trước cơ hội mới hấp dẫn nhưng anh Đăng chưa nhận lời. "Tôi có trình bày với lãnh đạo công ty là nên giảm KPI (chỉ số hiệu quả công việc) vì tình hình sức mua chung tất cả các ngành hàng đều giảm. Tôi cũng đề cập đến việc giữ mức lương thưởng cho nhân viên phòng kinh doanh miền nhưng đều không được chấp thuận" - anh Đăng bộc bạch. Giữa tháng 11 vừa qua anh Đăng quyết định rời đi, kéo theo 8 người trong phòng đến công ty mới.

Gắn bó 8 năm với vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng, Đặng Thanh Trà (29 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng quyết định tìm "bến đỗ" mới dù còn 2 tháng nữa là hết năm. Ra trường, Trà làm việc cho một DN dịch vụ chuyển phát hàng hóa quốc tế có văn phòng tại quận 4, TP HCM. Từ mức lương nhận việc là 6,5 triệu, tính đến lúc nộp đơn vào cuối tháng 10 vừa qua, thu nhập của Trà chưa đến 10 triệu đồng.

Công việc ổn định, ít áp lực nhưng chậm tăng lương trong khi chi phí ngày một tăng, nên Trà không tiết kiệm được gì sau 8 năm đi làm. Do vậy, khi có DN chào mời công việc đúng sở trường với mức lương cao hơn, Trà rời đi, không màng đến khoản thưởng Tết cận kề.

Cần chuẩn bị kỹ

Bà Đinh Kim Nhung - chuyên gia về nguồn nhân lực, nguyên giám đốc nhân sự cho nhiều tập đoàn lớn trong nước - cho rằng trong trường hợp của anh Đặng, phần thiệt cho DN nhiều hơn.

Theo bà Nhung, đứng trước mọi vấn đề, kể cả "nhảy việc", ai cũng đều có sự cân nhắc riêng của mình. Họ có lý lẽ cho việc đó và tự tin vào quyết định của bản thân. Tuy vậy, cũng có nhiều quyết định sai lầm khi chưa cân nhắc kỹ, chưa hiểu giá trị bản thân mình, và đôi khi là chưa làm hết sức mình nên lãnh đạo chưa quan tâm. Việc ra quyết định của người đã đi làm sẽ ảnh hưởng sự nghiệp của họ. 

Ở bất cứ tổ chức hay DN nào, nếu NLĐ được tôn trọng thì cơ hội sẽ còn rộng mở, nên hãy "bung" hết bản thân để phát triển. "Còn một khi đã chán vì mình đã cố gắng mà nhận lại chưa xứng thì cứ ra đi bất cứ thời điểm nào. Song, phải có chuẩn bị kỹ cho sự "nhảy việc", để không rơi vào trạng thái rời đi rồi còn thấy chán hơn là ở lại" - bà Nhung nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Mai Anh, Chủ tịch Điều hành VNPR, đánh giá nếu có một cơ hội tốt hơn thì không có lý gì bị khoản thưởng Tết "ngán đường". Nếu NLĐ tự tin để bước vào hành trình mới, được làm đúng sở trường thì không đắn đo vì khoản tiền thưởng cuối năm. Ở nơi mới, lợi ích có thể được nhân lên nhiều hơn bởi các nghiên cứu đều cho thấy được làm với niềm vui thì hiệu suất luôn tăng cao.

Hơn nữa, mức thưởng Tết bình quân ở Việt Nam cũng không nhiều, cao thì vài tháng lương, đa số chỉ có tháng 13. Như vậy, khoản thưởng này chẳng thấm vào đâu nếu ở chỗ làm mới - nơi NLĐ được làm việc trong niềm vui, hạnh phúc. 

"Nếu nhận được cơ hội học được cái mới, được chuyển sang lĩnh vực sở trường mà chỗ làm hiện tại không có được thì chắc ai cũng "nhảy". Xu hướng đi làm hiện nay của NLĐ là muốn phát triển bản thân, được làm việc trong hạnh phúc. Bởi vậy, khi gặp đúng chỗ, họ sẽ không màng đến khoản thưởng nữa" - bà Anh nói thêm. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo