Nhiều lao động trẻ khi phỏng vấn xin việc thường tự hào ghi trong CV (hồ sơ xin việc) về kinh nghiệm đã tích lũy tại các doanh nghiệp (DN) lớn. Điều này không chỉ thể hiện sự năng động mà còn cho thấy khả năng học hỏi nhanh chóng trong môi trường chuyên nghiệp. Song, việc thay đổi công việc thường xuyên cũng có thể khiến nhà tuyển dụng (NTD) băn khoăn về khả năng gắn bó lâu dài của họ.
Tìm cơ hội phát triển
Anh Nguyễn Cao Trí (25 tuổi, quê Quảng Ngãi) hiện là chuyên viên thiết kế đồ họa tại một DN quảng cáo danh tiếng ở quận 1, TP HCM nhưng lại mong muốn tìm kiếm cơ hội khác. Trong CV của anh, nổi bật là các dự án ấn tượng cho các thương hiệu như Samsung, Shopee và Coca-Cola. Ngoài thực hiện các thiết kế, anh Trí còn tham gia xây dựng chiến lược hình ảnh, góp phần làm cho thương hiệu trở nên khác biệt và dễ nhận diện.
Dù sự linh hoạt và tư duy sáng tạo của anh gây ấn tượng mạnh nhưng NTD vẫn băn khoăn về tính ổn định của ứng viên khi anh thường xuyên chuyển việc. Biết điều này, anh Trí thẳng thắn chia sẻ về định hướng nghề nghiệp sắp tới: "Tôi luôn mong muốn tìm kiếm công việc, môi trường ổn định, nơi có thể phát triển năng lực sáng tạo và đóng góp lâu dài vào những dự án ý nghĩa".
Tương tự, chị Lê Thu Hà (28 tuổi, quê Hà Nội) trước đây là chuyên viên tài chính với kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn, ngân hàng quốc tế như KPMG và Standard Chartered. Trong CV, chị tự tin trình bày các kỹ năng phân tích tài chính và quản trị rủi ro, cùng với những dự án lớn từng đảm nhiệm.
Dù vậy, NTD vẫn đặt câu hỏi về khả năng gắn bó lâu dài của chị với DN. Chị Hà giải thích rằng kinh nghiệm phong phú giúp chị thấu hiểu nhu cầu thị trường và tự tin đóng góp bền vững trong lĩnh vực tài chính. Ngoài mong muốn phát triển sự nghiệp, chị còn muốn tham gia tạo ra những giá trị lâu dài cho DN và cộng đồng.
Còn anh Phạm Quốc Anh (27 tuổi, quê An Giang) có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing digital tại các công ty lớn. Anh nổi bật với khả năng triển khai chiến dịch quảng cáo sáng tạo và phân tích dữ liệu thị trường. Anh Quốc Anh cho rằng nhảy việc là một lợi thế trong sự nghiệp của mình.
"Mỗi công ty đều mang đến cho tôi bài học quý giá và kinh nghiệm đa dạng về ngành marketing. Tôi đang tìm một môi trường làm việc, nơi có thể áp dụng những gì đã học và góp phần nâng cao hiệu quả chiến lược của DN" - anh Quốc Anh bày tỏ.
Chất lượng hơn số lượng
Bà Phạm Ngọc Mỹ, chuyên viên tuyển dụng trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn, cho rằng trong các cuộc phỏng vấn, bà thường gặp ứng viên trẻ tự hào về "kinh nghiệm dày dạn" tại những DN lớn. Trong đó, khoảng 80% ứng viên khiến bà muốn chấm dứt hợp tác sau tháng thử việc đầu tiên.
Bà Mỹ đánh giá cao những ứng viên mang đến góc nhìn mới và tư duy sáng tạo. Do đó, bà đã điều chỉnh cách tiếp cận, tập trung vào những ứng viên có nhiệt huyết và cam kết học hỏi. "Một đội ngũ mạnh cần sự kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và tư duy đổi mới" - chị Mỹ nói.
Ông Bùi Đoàn Chung, người sáng lập Cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam với hơn 27.000 thành viên, cho rằng trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay, nhảy việc có thể mở ra cơ hội tích lũy kinh nghiệm và phát triển nghề nghiệp cho người lao động/ứng viên trẻ. Song, thiếu lý do rõ ràng có thể khiến họ bị xem là thiếu cam kết.
Các vị trí công việc được phân loại thành 4 cấp độ: mới hoặc cấp thấp, trung cấp, cao cấp hoặc chuyên viên và quản lý hoặc cán bộ điều hành, từ đó phản ánh trách nhiệm và năng lực. Vì vậy, khi quyết định nhảy việc, ứng viên nên cân nhắc giữa cơ hội thăng tiến và duy trì lịch sử công việc ổn định.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng toàn quốc, Công ty CP Adecco Việt Nam (quận 4, TP HCM), NTD không chỉ tìm kiếm ở ứng viên sự phù hợp với yêu cầu công việc mà còn chú trọng đến mức độ cam kết lâu dài và thái độ làm việc của họ. Bởi, sự phát triển bền vững và ổn định của đội ngũ nhân sự là một trong những ưu tiên hàng đầu của DN.
Vì vậy, các NTD thường đặt câu hỏi về mục tiêu phát triển dài hạn và kế hoạch gắn bó với công ty trong tương lai của ứng viên. "Chất lượng kinh nghiệm quan trọng hơn số lượng. Một ứng viên có thể làm việc lâu năm tại một DN, nếu thiếu trải nghiệm thực tiễn và thành tựu thì giá trị kinh nghiệm đó sẽ giảm sút. Ngược lại, ứng viên có thời gian làm việc ngắn nhưng đạt được thành công trong các dự án thực tế sẽ thu hút sự chú ý của NTD" - ông Chương nhấn mạnh.
Tỉ lệ lao động trẻ nhảy việc cao
Theo khảo sát của Công ty CP Anphabe (quận 1) mới đây, ý định gắn bó của lao động gen Z (sinh từ năm 1997 - 2012) với công ty chỉ khoảng 2,2 năm, thấp hơn so với gen Y (1981 - 1996) khi chỉ số này là 3,2 năm và gen X (1965 - 1980) là 4,3 năm.
Còn khảo sát của Công ty CP Kết nối nhân tài - Talennet (quận 1), ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2024, 85% người lao động có ý định nhảy việc, nhóm tuổi 18 - 24 dẫn đầu với hơn 96% và độ tuổi 25 - 34 là 89%.
Bình luận (0)