Báo cáo "Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động (NLĐ)" được thực hiện bởi Navigos Search cho thấy tháng lương thứ 13 và thưởng Tết là phúc lợi lớn nhất mà NLĐ tại Việt Nam kỳ vọng nhận được sau quá trình làm việc. Tuy vậy, tại thời điểm còn hơn 2 tháng nữa là hết năm 2022, cũng là mùa thưởng Tết nhưng nhiều lao động trẻ vẫn quyết định chia tay công việc hiện tại để tìm bến đỗ mới.
Tìm cơ hội mới
Có ý định chuyển về quê làm việc cho gần nhà nên từ đầu tháng 9, chị Vũ Thị Huyền (32 tuổi, nhân viên kế toán tại TP HCM) đã nộp hồ sơ vào một số công ty ở Bình Dương. Huyền không hài lòng với công việc hiện tại vì nhiều năm nay công ty không tăng lương trong khi việc ngày một nhiều. Công ty cũng không có nhiều phúc lợi dù doanh thu hằng năm khá lớn.
"Tôi đã đậu phỏng vấn một vài công ty ở quê và họ muốn tôi nhận việc luôn vì đang cần người. Nghĩ lại chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm, thành quả cả năm cũng được thưởng ít nhất 2 tháng lương nên tôi quyết định sau Tết mới nghỉ. Thời điểm đó chắc cũng dễ kiếm việc" - chị Huyền nói.
Lao động trẻ luôn muốn thử thách bản thân để tìm kiếm những cơ hội mới
Trong khi đó, Lê Thị Tuyết Lan (24 tuổi, lập trình viên tại TP HCM) lại quyết định nghỉ việc từ giữa tháng 10 vừa qua. Lan cho biết lãnh đạo công ty ít tạo cơ hội cho lao động trẻ thể hiện ý tưởng nên nhiều sản phẩm bị khách hàng đánh giá thấp, phải làm lại khá nhiều, gây ức chế cho nhân viên. Nhiều lần Lan đề xuất ý tưởng nhưng không được chấp thuận nên mỗi ngày đi làm chị đều thấy mệt mỏi và chán nản. "Lúc tôi nộp đơn, nhiều người khuyên cứ lãnh thưởng Tết rồi nghỉ. Nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi công việc hiện tại khiến tôi chẳng thấy vui, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng" - Lan thẳng thắn.
Anh Hồ Đức Trung, 26 tuổi, trưởng nhóm thiết kế đồ họa tại một công ty ở Tân Phú, TP HCM cũng vừa nộp đơn xin nghỉ việc, sau hơn 3 năm gắn bó. Theo anh, công việc cứ đều đều như vậy, chẳng có gì đột phá. Khi một người bạn từ Đức trở về để khởi nghiệp với nông nghiệp sạch, Trung quyết định nghỉ việc hỗ trợ bạn. "Sếp nói với tôi cứ làm hết năm nhận thưởng rồi nghỉ nhưng tính tôi không làm vậy được. Tôi muốn tập trung vào một thứ để làm tốt nhất có thể. Mình còn trẻ, cơ hội đến mà không thử sẽ hối hận về sau" - Trung chia sẻ.
Cần quyết định sáng suốt
Nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng lý do khiến NLĐ quyết định nhảy việc là họ nhận thấy lương, thưởng không tương xứng, môi trường làm việc không còn phù hợp và cảm thấy tương lai mịt mù nếu cứ tiếp tục làm công việc hiện tại.
Tuy vậy, nhảy việc vào bất kỳ thời điểm nào NLĐ cũng cần phải có sự chuẩn bị thật tốt, nhất là trong giai đoạn cuối năm thì lại càng phải cân nhắc thật kỹ. Bởi thời điểm cuối năm chính là lúc NLĐ sẽ nhận những mức lương, thưởng xứng đáng sau một năm nỗ lực. Từ bỏ công việc hiện tại để sang môi trường công việc mới trong thời điểm này, NLĐ có ít nhất 2 tháng thử việc đầy áp lực song song với việc làm quen môi trường mới.
Với những vị trí công việc có KPI (chỉ số đo lường hiệu quả vị trí công việc) còn sẽ chịu áp lực mục tiêu doanh số cuối năm.
Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Navigos Việt Nam, cho rằng thưởng Tết không phải yếu tố tiên quyết để NLĐ quyết định tiếp tục gắn bó với công ty. Tuy nhiên, giai đoạn gần Tết mà nhảy việc thì cân nhắc kỹ hơn để có một quyết định sáng suốt nhất.
Theo các chuyên gia việc làm, những người chấp nhận từ bỏ các khoản lương thưởng cuối năm để nhận một công việc mới thật sự là những ứng viên rất chất lượng. Họ sẵn sàng đón nhận sự thay đổi nghề nghiệp lúc này là họ hiểu được nội lực của bản thân hoàn toàn vượt trội.
"Với những nhân sự giỏi, luôn muốn tạo đột biến trong công việc thì cuối năm là cơ hội tốt để nhảy việc. Rất nhiều DN cần tuyển những nhân sự chất lượng để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm cũng như để tạo bước đột phá cho năm sau. Tuy nhiên, những vị trí công việc như vậy sức ép cũng sẽ rất lớn nên NLĐ phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận nếu muốn thành công" - bà Linh nói.
Nhiều rủi ro nếu chưa chuẩn bị tốt
Bà Nguyễn Quế Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu (Guardian Việt Nam), nhận định nhảy việc thời điểm này đầy rủi ro với những người chưa có sự chuẩn bị tốt. Lao động trẻ thuộc gen Z rất hay nhảy việc và sự cân nhắc của họ trước khi tìm công việc mới là chưa cao.
"Lao động trẻ gen Z rất năng động và linh hoạt với công việc. Họ thích nghi cũng nhanh nhưng cách họ chán việc cũng nhanh không kém. Nhiều người một năm nhảy việc 3 đến 4 lần với tinh thần "tại sao không thử". Họ cho rằng không thành công ở đây thì có thể thành công chỗ khác, tại sao không thử thách bản thân đến giới hạn cuối cùng. Đây là ưu điểm mà cũng là hạn chế của lao động trẻ bởi DN nào cũng cần sự ổn định về mặt nhân sự và đều kỳ vọng NLĐ cống hiến hết mình" - bà Quế Anh nói thêm.
Bình luận (0)