Sáng 27-11, với 443/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý là tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn là 2%.
Ngoài ra, luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính Công đoàn. Kế thừa luật hiện hành, tài chính Công đoàn sẽ được sử dụng để bảo vệ quyền lợi, giúp đỡ đoàn viên; được dùng để xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên và người lao động (NLĐ) thuê; làm công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật liên quan phục vụ đoàn viên, NLĐ.
Luật quy định NLĐ Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn; bổ sung quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn tại Công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ Công đoàn) của NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn và Chính phủ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bổ sung quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí Công đoàn; ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.
Luật cũng bổ sung trách nhiệm Tổng LĐLĐ Việt Nam định kỳ 2 năm báo cáo QH về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, định kỳ 2 năm 1 lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính Công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của QH, Ủy ban Thường vụ QH.
Bình luận (0)