Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 22-6 nói với giới chức Trung Quốc rằng đề xuất áp thuế của Liên minh châu Âu (EU) đối với hàng hóa nước này không phải là "sự trừng phạt".
Phát biểu trong chuyến thăm Bắc Kinh, ông Habeck cho biết các quốc gia như Mỹ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng thuế quan trừng phạt nhưng EU thì không. Theo hãng tin Reuters, ông Habeck nói rõ trong 9 tháng qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã kiểm tra rất chi tiết liệu các công ty Trung Quốc có được hưởng lợi không công bằng từ các khoản trợ cấp hay không.
Ông lập luận mọi biện pháp thuế đáp trả của EU chỉ nhằm bù đắp những lợi thế Trung Quốc dành cho các công ty trong nước và tạo sân chơi bình đẳng. Quan chức này cũng cho rằng hai bên cần đạt được các tiêu chuẩn chung, bình đẳng về tiếp cận thị trường.
Tiếp Bộ trưởng Kinh tế Đức, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc Trịnh Sách Khiết nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để bảo vệ công ty trong nước, đồng thời cho rằng thuế nhập khẩu được EU đề xuất đối với xe điện Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho cả hai bên.
Ông Trịnh cũng hy vọng Đức sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo trong EU và "làm điều đúng đắn". Song song đó, quan chức Trung Quốc bác bỏ cáo buộc về những khoản trợ cấp không công bằng khi cho rằng ngành năng lượng mới tại Trung Quốc phát triển là nhờ những lợi thế về công nghệ, thị trường và chuỗi cung ứng.
Ông Habeck là quan chức cấp cao châu Âu đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ khi EU đề xuất nâng thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc lên 38,1%. Biện pháp này dự kiến được áp dụng từ ngày 4-7.
Trước thềm chuyến thăm của ông Habeck, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thúc giục Bắc Kinh tăng thuế đối với ô tô chạy bằng xăng nhập khẩu từ châu Âu. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc tiến hành điều tra việc bán phá giá đối với thịt heo nhập khẩu từ EU để trả đũa động thái của EC.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 21-6 cho rằng châu Âu tiếp tục leo thang xung đột thương mại và có thể gây ra chiến tranh thương mại, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía châu Âu.
Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Đức đã phản đối mạnh thuế quan EU. Họ cũng là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trước bất kỳ động thái đáp trả nào từ Trung Quốc khi gần 1/3 doanh số bán ô tô đến từ nền kinh tế số 2 thế giới vào năm ngoái.
Vì thế, chuyến thăm của ông Habeck được xem là cơ hội để Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, xoa dịu nguy cơ mà các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc có thể gây tổn hại cho doanh nghiệp Đức.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Đức trong 8 năm liên tiếp. Tổng kim ngạch thương mại song phương trong quý I/2024 là 64 tỉ USD.
Ngoài căng thẳng thương mại nói trên, một mục tiêu của chuyến thăm là tăng cường hợp tác giữa Đức và Trung Quốc trong tiến trình chuyển đổi xanh. Hai nước đã ký bản ghi nhớ về hợp tác trong chuyển đổi xanh và chống biến đổi khí hậu hồi tháng 6-2023.
Mỹ siết đầu tư
Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố dự thảo các quy định về việc cấm hoặc phải thông báo trước đối với một số khoản đầu tư nhất định vào mảng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc các lĩnh vực công nghệ khác ở Trung Quốc.
"Các quy tắc này sẽ bảo đảm an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách ngăn chặn việc hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Mỹ - không chỉ vốn - trong phát triển công nghệ nhạy cảm" - ông Paul Rosen, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nhấn mạnh.
Dự kiến các quy định trên được áp dụng vào cuối năm nay. Góp ý của công chúng về dự thảo được tiếp nhận đến ngày 4-8 tới. Theo dự thảo, các giao dịch bị cấm liên quan đến một số lĩnh vực AI nhất định, các hệ thống huấn luyện để sử dụng sức mạnh điện toán...; còn giao dịch buộc phải thông báo thì liên quan đến sự phát triển của các hệ thống AI hoặc chất bán dẫn không thuộc diện cấm.
Theo kênh CNBC, dự thảo trên được đưa ra hôm 21-6, theo sau một sắc lệnh hành chính do Tổng thống Joe Biden ký ban hành vào tháng 8 năm ngoái, trong đó đặt ra quy định về một số khoản đầu tư Mỹ trong mảng chất bán dẫn, vi điện tử, điện toán và AI.
Đây được xem là một phần trong nỗ lực nhằm ngăn chặn các công nghệ của Mỹ bị sử dụng để tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển lĩnh vực tiên tiến này, từ đó thống trị các thị trường toàn cầu.
Bà Laura Black, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và nay là luật sư tại công ty luật đa quốc gia Akin Gump, cho biết những ai vi phạm có thể bị xử lý cả về mặt hình sự và dân sự, còn các khoản đầu tư sẽ bị thu hồi.
Bộ Tài chính Mỹ nói họ đã làm việc với các đồng minh và đối tác Mỹ về việc hạn chế đầu tư này và tiết lộ thêm phía Hội đồng châu Âu và Anh cũng bắt đầu cân nhắc xử lý các rủi ro trong đầu tư ra nước ngoài.
Hải Ngọc
Bình luận (0)