icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gang, gan hay ang?

Lê Minh Quốc

Thật lạ, có câu thơ quen thuộc của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng mỗi nơi ghi mỗi phách, có thể "kiểm chứng" từ Google:

Thớt có tanh tao, ruồi đậu đến

Gang không mật mỡ, kiến bò chi

Tại sao lại là gang? Có ý kiến cho rằng phải là gang/ chảo gang là vật dụng đựng thực phẩm lúc chế biến món ăn gì đó: "Chảo: Đồ dùng đúc bằng gang hoặc nhôm, miệng rộng, dốc thoai thoải xuống đáy, có quai hoặc cán cầm dùng để rang, xào nấu… thức ăn" - theo "Đại từ điển tiếng Việt" (1999). Khi cụ Trạng Trình cho biết "gang không mật mỡ", ta hoàn toàn có thể xác định lúc dùng chảo gang nấu xào, đầu bếp sử dụng thực phẩm không có mùi vị của "mật mỡ"; vì thế, ngay con kiến cũng không thèm đếm xỉa gì đến; ngược lại, do thớt "tanh tao" nên ruồi vù vù bay đến đậu!

Gang, gan hay ang? - Ảnh 1.

Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm tại TP Hải Phòng (Ảnh minh họa từ Internet)

Xét ra hợp lý quá chứ gì? Không hề. Khi nói gang ngầm hiểu là chảo/ chảo gang chỉ là sự "cưỡng từ đoạt ý" vì bản thân từ "gang" không thể đại diện nhằm ám chỉ cho một dụng cụ nấu nướng, bởi đâu phải cái chảo nào cũng làm bằng gang, mà còn làm bằng nhôm, chẳng hạn. Trộm nghĩ, nếu cần đối xứng với "thớt", tác giả hoàn toàn có thể dùng từ nồi, xoong, niêu… vừa đúng luật "bằng", "trắc" vừa rõ nghĩa, chứ việc gì phải là từ gang cho rắc rối, khó hiểu?

Còn nếu chọn từ "gan" thì sao?

Gan là một bộ phận trong ngũ tạng. Câu thơ của Trạng Trình cho biết khi chế biến, gan của động vật ấy lại không có "mật mỡ". Ấy là ta khiên cưỡng mà nói thế, bởi trong tiếng Việt thì mật là mật, mỡ là mỡ - chứ làm gì có từ "mật mỡ" nhằm chỉ "Mỡ: lớp mềm có chất béo trong cơ thể động vật" - theo "Việt Nam tự điển" (1970). Như vậy, "mật mỡ" ở đây là hai loại riêng biệt, mỡ như vừa giải thích; còn mật chính là mật/ mật ngọt như tục ngữ có câu "Mật ngọt chết ruồi"… Hơn nữa, từ "gan" cũng không thể đối xứng với "thớt" bởi vai trò, tính chất của hai từ loại này khác nhau; nếu đối xứng với gan chỉ có thể sánh với tim, phèo, phổi… cùng loại, chứ không thể là cái thớt - tréo ngoe vô cùng.

Lập luận này, ta thấy thế nào? Muốn có câu trả lời có tính "chốt hạ", ta phải xét về quy định niêm luật, bằng trắc của thể thơ Đường luật:

Thớt có tanh tao, ruồi đậu đến

Gang không mật mỡ, kiến bò chi

Đây là cặp "luận" trong bài thơ "Thói đời", bắt buộc phải có sự đối xứng chặt chẽ của cả hai câu, phải tuân theo quy định về niêm luật, bằng trắc mà các từ phải cùng từ loại. Câu trên có "thớt" là vật dụng bằng gỗ để chặt, thái, xắt… thức ăn; vậy câu dưới cũng là vật đối xứng cùng loại. Rõ ràng, cả "gang" lẫn "gan" đều đi chỗ khác chơi, không có cửa đối xứng với từ "thớt".

Vậy ta chọn lấy từ gì?

Do thớt dùng để chặt, cắt thức ăn nên có mùi "tanh tao" thì mật hoặc mỡ phải chứa đựng đâu mà nếu vật dụng đó không có thì chẳng bao giờ kiến bò đến? Người ta có thể đựng mật, mỡ trong hũ, bình, chĩnh v.v… ở đây cụ Trạng Trình chọn từ "ang".

Ang là gì?

"Ang" đồ dùng bằng đất, hình như cái nồi, dùng để đựng nước hoặc để hộn đường; có thứ bằng đồng dùng để đựng trầu không" - theo "Việt Nam tự điển" (1931). Ta thấy có từ khó hiểu là "hộn đường", tự điển này giải thích là từ chỉ động tác lúc người ta dùng cái ang để "Đun nước mía chế tạo thành đường". Bản thân từ "hộn" có nghĩa là dồn lại, gom lại. Còn cái ang "bằng đồng dùng để đựng trầu không", còn gọi cái âu, trong Nam gọi cái ô. Mà, ô lại là từ đồng âm chỉ vật dụng lợp bằng vải, có thể giương ra xếp vào, cán cầm che mưa che nắng mà trong Nam gọi là dù.

"Ang: Đồ bằng đất rộng miệng như miệng chậu mà lớn" - "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) giải thích và cho biết thêm trong Nam còn gọi là bồn. Mà bồn cũng gọi chậu. Cái ang này, người miền Trung gọi cái ảng. Không những thế, ang còn là từ đồng âm dùng chỉ dụng cụ đo lường hình hộp làm bằng tre, gỗ dùng cân đong đo lường các hạt rời.

Khi cụ Trạng Trình dùng từ "ang" là chỉn chu về niêm luật, đối xứng về từ loại lẫn ngữ cảnh nội tại của "cặp luận" này. Vì thế, không gì để bàn cãi thêm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo