Mỗi đứa trẻ sinh ra đều như những thiên thần. Nhưng trong quá trình lớn lên, trẻ sẽ chịu ảnh hưởng từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, cộng đồng xã hội… để hình thành nên nhân cách, bao gồm cả tốt lẫn xấu.
Khi nào người lớn sống thật với những giá trị tốt đẹp, cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói, việc làm... thì trẻ sẽ học được nhiều điều hay - Ảnh minh họa
Thực tế, không ít thầy cô, cha mẹ chưa phải là tấm gương tốt cho trẻ nhìn vào học hỏi. Nhiều hành vi bạo lực gia đình, kiểu làm việc thiếu trung thực, chỉ biết lợi ích bản thân, tìm mọi cách tham nhũng, tiêu cực, chuộng thành tích, báo cáo láo, háo danh… do những người lớn xung quanh thực hiện diễn ra hằng ngày trước mắt trẻ.
Những bữa cơm chung, những buổi trò chuyện, đối thoại trong gia đình đang ngày càng ít đi. Nhà trường nghiêng về nhồi nhét kiến thức, xem nhẹ việc giáo dục học sinh làm người. Những chuẩn mực như trung thực, thẳng thắn; nói không với những hành vi xấu, sai trái, vi phạm đạo đức… ít xuất hiện trong chương trình giáo dục công dân hay trong các chương trình truyền hình thực tế…
Song song đó, trong thời đại công nghệ, người ta sử dụng điện thoại ngay từ khi còn nhỏ và đó là phương tiện phổ biến để học tập, làm việc, giải trí…, cả lướt mạng xã hội để tìm hiểu thông tin trong nước, thế giới.
Bên cạnh thông tin hữu ích, mạng xã hội còn chuyển tải rất nhiều thông tin tiêu cực trong đời sống xã hội, chuyện xấu gì cũng được đưa lên.
Hiệu ứng ngược của truyền thông mạng là làm cho giới trẻ tò mò về những chuyện xấu, xem nhiều, bình luận tiêu cực cũng nhiều… khiến cho cái nhìn về xã hội cũng đầy tiêu cực; tật nói dối, sống thiếu trung thực, thích chỉ trích, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, lối sống thực dụng, trọng tiền tài, vật chất… cũng trở thành chuyện bình thường.
Tất cả những điều này làm cho việc dạy con trẻ sống tử tế, trung thực, dũng cảm đối diện với sai lầm, biết chịu trách nhiệm…, thật sự không dễ.
Sự hình thành và phát triển nhân cách con người là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, gia đình và mỗi cá nhân; trong đó gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Cha mẹ cần dành thời gian dạy con lòng khoan dung, độ lượng, vị tha, những chuẩn mực giá trị đạo đức mà con người phải sống theo và tôn trọng. Phải luôn ý thức được rằng cha mẹ là tấm gương để con cái soi chiếu hằng ngày và làm theo.
Cùng với đó, nhà trường, xã hội và các tổ chức, thiết chế liên quan với vai trò của mình, xây dựng các quy định, chuẩn mực về đạo đức, pháp luật và cả sự nêu gương.
Khi nào người lớn sống thật với những giá trị tốt đẹp, cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói, việc làm... thì trẻ sẽ học được nhiều điều hay. Không có ngôn ngữ giáo dục nào có sức thuyết phục bằng hành động đúng đắn, chuẩn mực của người lớn.
Bình luận (0)