- PV: Ông có thể giới thiệu qua về dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh bao gồm những hạng mục gì? Hiện đã triển khai như thế nào?
+ Ông Nguyễn Xuân Sơn: Dịch vụ đô thị thông minh được Thừa Thiên - Huế triển khai thí điểm từ tháng 6-2018 và chính thức đưa vào hoạt động tháng 1-2019. Với hơn 20 dịch vụ đô thị thông minh đã được triển khai vận hành tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh như phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera (bao gồm 16 giải pháp nhận diện hình ảnh bằng AI), giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, thẻ điện tử, giám sát tàu cá, giám sát an toàn an ninh mạng…
Đã phát triển và tích hợp qua Hue-S (dịch vụ đô thị thông minh) hơn 50 chức năng phục vụ người dân, doanh nghiệp, chính quyền bao gồm phản ánh hiện trường, hỏi cơ quan nhà nước, truyền thông cảnh báo, dịch vụ thiết yếu, thời tiết thiên tai, ví điện tử... tích hợp các nền tảng phục vụ các ngành, các tổ chức chính trị xã hội đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số một cách toàn diện và đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Đến nay, Hue-S đã có 932.969 tài khoản người dùng, trong đó 805.896 tài khoản người dân trong tỉnh, 127.073 tài khoản được đăng ký từ ngoài tỉnh. Theo số liệu từ Google Analyatics trong năm 2023, Hue-S đã ghi nhận trên 22 triệu lượt người xem, thời gian tương tác trung bình là 3 giờ 52 phút. Đã thu hút lượng lớn người dân Huế xa quê, cũng như những người quan tâm. Kết nối 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
- Ông hãy cho biết đô thị thông minh đã giúp gì cho chính quyền trong việc quản lý, điều hành và gần dân hơn? Còn đối với dân thì đã đưa đến những tiện ích gì?
+ Ông Nguyễn Xuân Sơn: Trên cơ sở tiếp thu góp ý, phản biện, nắm bắt nhu cầu của người dân, Hue-S đã mang lại nhiều tiện ích phục vụ cho đời sống của người dân, là công cụ giúp người dân giải quyết những bất cập trong xã hội còn tồn tại trước đó. Đến nay đã tiếp nhận xử lý trên 124.000 phản ánh với tỷ lệ 90.8% hài lòng và chấp nhận; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai...
Thông qua hệ thống camera trí tuệ nhân tạo giám sát, đã hình thành nên công cụ hỗ trợ nghiệp vụ cho lực lượng công an trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội thời gian qua. Hệ thống camera đã ghi nhận và tiếp nhận hơn 37.800 trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt trên 5,6 tỉ đồng; hỗ trợ công an truy vết hơn 823 vụ án có dấu hiện yếu tố hình sự.
Thông qua cảm biến của Hue - S bao gồm kết quả phân tích ý kiến phản ánh kiến nghị, góp ý, tương tác của người dân… chính quyền các cấp có thể đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hiệu quả phục vụ người dân từ đó đưa ra các chính sách phù hợp. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai các nền tảng số phục vụ cơ quan nhà nước thúc đẩy chính quyền số.
- Ông có thể cho biết những yếu tố nào để mang lại sự thành công bước đầu của Hue-S?
+ Ông Nguyễn Xuân Sơn: Ngay từ ban đầu Hue-S được xây dựng với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm. Các cơ quan chức năng phải lắng nghe, tôn trọng, xử lý kịp thời mọi ý kiến phản ánh của người dân. Quan điểm chỉ đạo tiên quyết được lãnh đạo tỉnh đưa ra để đảm bảo sự thành công là xem ý kiến phản ánh của người dân là ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh.
Có thể nói, việc triển khai thành công ứng dụng Hue-S có một phần không nhỏ trong việc tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý của người dân, căn cứ trên nhu cầu của người dân để đáp ứng và hoàn thiện.
Quy trình hóa và tuân thủ nghiêm việc thực hiện có giám sát cũng là yếu tố quyết định thành công. Tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, vai trò giám sát của người dân được thể hiện cụ thể.
Ứng dụng công nghệ để thay đổi và quản trị sự thay đổi về quy trình, nhận thức, tư duy và cách làm, hành vi để vừa đáp ứng, theo kịp nhu cầu của người dân vừa phát huy vai trò của chuyển đổi số.
- Trong tương lai, đô thị thông minh sẽ có vai trò gì đối với quản lý nhà nước, đối với người dân? Đặc biệt sẽ có vai trò gì cho mục tiêu Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố Trung ương vào năm 2025?
+ Ông Nguyễn Xuân Sơn: Hue-S được xem là một công cụ đắc lực không thể thiếu cho tiến trình chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên - Huế ở cả thời điểm hiện tại và tương lai. Hue-S không chỉ là nền tảng đưa người dân, doanh nghiệp, chính quyền lên môi trường số; tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ số, nâng cao kỹ năng số mà còn đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số.
Phát triển đô thị thông minh chính là mục tiêu xuyên suốt phải thực hiện, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên - Huế đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.
- Định hướng phát triển của đô thị thông minh tỉnh trong thời gian tới là như thế nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Xuân Sơn: Với sự phát triển mạnh mẽ chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu, toàn quốc, Thừa Thiên - Huế đã và đang định hướng dịch vụ đô thị thông minh sẽ là một trong những sản phẩm của hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cùng với 3 trụ cột nói trên. Trong đó lấy Hue-S làm trung tâm cho quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
Trong thời gian tới, sẽ mở rộng mô hình và triển khai toàn tỉnh chuyển đổi 3 nền tảng chính quyền số là làm việc số, báo cáo số, bản đồ số vào hoạt động của các cơ quan đơn vị các cấp.
Áp dụng trí tuệ nhân tạo vào nền tảng phản ánh hiện trường, nền tảng kết nối công dân doanh nghiệp; đẩy nhanh hoàn thành tích hợp các giải pháp thanh toán vào Hue-S. Đồng thời tập trung giải pháp phân tích dữ liệu trên cơ sở các nguồn dữ liệu được tích lũy trong quá trình triển khai mô hình dịch vụ đô thị thông minh để đánh giá, tổng kết và xây dựng phát triển mô hình phù hợp trong giai đoạn mới.
Xin cám ơn ông!
Bình luận (0)