Từ diễn biến tình hình thực tiễn, để chủ động ứng phó với cao điểm hạn, mặn năm nay, các ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện tốt 3 yêu cầu sau:
Một là, nhận thức, tư duy chủ động thích ứng phải trở thành "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, chỉ huy mọi hành động. Bài toán cân bằng tổng thể, yêu cầu "chi phí - lợi ích" và nguyên tắc "không hối tiếc" cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư công trình nào.
Hai là, đầu tư xây dựng trụ cột phát triển kinh tế vùng, sử dụng khoa học - công nghệ đi trước dẫn dắt, nguồn lực tài chính làm đòn bẩy để thích ứng với biến đổi khí hậu phải gắn liền với yếu tố con người, ổn định dân cư; lấy con người làm trung tâm để những vùng dễ bị tổn thương không bị tụt hậu và không ai bị bỏ lại phía sau.
Ba là, phải tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên vùng. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành, cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội. Đổi mới hoạt động điều phối vùng thông qua thể chế, cơ chế mạnh hơn với mục tiêu thiết lập và vận hành thể chế vùng có tính đại diện và trách nhiệm.
Cùng với các yêu cầu, cần tổ chức thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài sau đây:
Một là, công bố và cập nhật thường xuyên bản đồ hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, miền Trung và Tây Nguyên qua các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội phổ biến, trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân từng tiểu vùng sinh thái kịp thời theo dõi, chủ động ứng phó, dịch chuyển lịch thời vụ, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch cây trồng, vật nuôi và sinh hoạt thích ứng, giảm thấp nhất mức độ thiệt hại do thiên tai.
Hai là, chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt, phù hợp mức độ hạn, mặn. Hoàn thiện, đưa vào sử dụng các công trình đầu tư theo đúng tiến độ, các dự án trữ nước, bảo đảm nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ba là, cần dựa vào yêu cầu, ưu tiên phát triển và điều kiện thực tế của địa phương mình để thích ứng với trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tập quán sinh hoạt và nhu cầu sử dụng nước của người dân từng vùng.
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các định chế của Ủy hội sông Mê Kông và các nước có liên quan đến vấn đề nước xuyên biên giới để bảo vệ lợi ích quốc gia, chia sẻ dữ liệu, các kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn, chủ động dự báo tình hình, bảo đảm việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.
Năm là, bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống, cần các giải pháp dài hạn; có lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Cần xem hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và đột xuất để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, tổ chức dân cư cho phù hợp.
Những giải pháp công trình là rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ.
Bình luận (0)