Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ký quyết định 979/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty CP Đầu tư Giáo dục TP HCM và Quyết định 969/QĐ-BGDĐT thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc Công ty CP Đầu tư Giáo dục Hà Nội.
Công - tư đều phải bảo đảm chất lượng
Như vậy đến nay, cả nước có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trước đó, có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP HCM, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Trường ĐH Vinh. Hai trung tâm mới là 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục đầu tiên của cả nước; có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của pháp luật.
Đánh giá về việc có thêm 2 trung tâm điểm định chất lượng giáo dục mới, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng việc thành lập thêm 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của tư nhân là đúng Luật Giáo dục ĐH, góp phần huy động thêm nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực này. TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo, cũng cho rằng việc cho ra đời 2 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục mới cũng là phù hợp với xu thế hiện nay.
Hoạt động kiểm định giáo dục thực sự sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Ảnh: TẤN THẠNH
Theo TS Vinh, năm 2020, Việt Nam có 460 trường ĐH, CĐ. Số lượng trường lớn như vậy mà có 5 trung tâm kiểm định với quy mô như hiện nay khó bảo đảm kiểm định toàn bộ các trường, chương trình đào tạo theo chu kỳ quy định. Vì vậy, có thêm 2 tổ chức kiểm định giáo dục tư nhân góp phần đáp ứng nhu cầu kiểm định các trường ĐH cũng như các khóa đào tạo. TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cho hay số lượng các chương trình đào tạo cần được kiểm định tại các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước là rất lớn. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện số chương trình đào tạo chưa được kiểm định vẫn còn rất nhiều.
Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh rằng các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục dù của công lập hay tư nhân đều phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật cũng như bảo đảm năng lực, trình độ cán bộ của các trung tâm tư nhân này khi tham gia công tác kiểm định. TS Nghiêm Xuân Huy cũng cho rằng việc bảo đảm cả về chất lượng, số lượng đội ngũ kiểm định viên là rất quan trọng. Trên thực tế số lượng kiểm định viên được đào tạo, tập huấn, cấp thẻ hành nghề không hề nhỏ nhưng số lượng kiểm định viên có năng lực tốt để tham gia các đoàn kiểm định không nhiều. Chính vì điều này mà tiến độ triển khai kiểm định chương trình đào tạo theo luật định không được như kỳ vọng.
Mù mờ thông tin
Việc các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh yếu tố chất lượng của các trung tâm kiểm định không phải là ngẫu nhiên.
Theo quy định, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được cấp giấy phép hoạt động phải có trang thông tin điện tử; có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; có trụ sở hoạt động ổn định và điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục… Tuy nhiên, ở thời điểm được cấp phép thành lập, thông tin của 2 trung tâm kiểm định tư nhân mới được thành lập vô cùng ít ỏi. Trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long chỉ có đúng duy nhất thông tin "Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long là tổ chức hoạt động chuyên môn độc lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng". Không thể tìm bất cứ thông tin nào liên quan đến Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục hay kiểm định viên cơ hữu. Thông tin đăng ký trên trang web masothue.com cho biết Công ty CP Đầu tư Giáo dục Hà Nội (đơn vị thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long) có địa chỉ tại số 59, ngõ 252 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đại diện pháp luật là bà Phùng Thị Thu Hương, công ty hoạt động từ ngày 25-6-2020. Ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này gồm: Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, giáo dục THCS-THPT, đào tạo sơ cấp, giáo dục thể thao - giải trí - văn hóa - nghệ thuật…
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn còn chưa có website chính thức. Công ty CP Đầu tư Giáo dục TP HCM (đơn vị thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn) có địa chỉ tại U5 đường số 11, KDC Miếu Nổi, phường 3, quận Bình Thạnh, TP HCM. Người đại diện pháp luật là ông Trịnh Hữu Chung. Công ty này bắt đầu hoạt động từ ngày 25-6-2020.
Không thể vì lợi nhuận!
TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh dịch vụ tư nhân hay nhà nước đều như nhau, vấn đề là chất lượng dịch vụ phải đáp ứng được yêu cầu. Ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng vai trò và trách nhiệm của các trung tâm kiểm định là làm sao để hoạt động kiểm định thực sự góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH. Chính vì thế, công tác kiểm định cần phải được quan tâm chặt chẽ, không thể để vì lợi nhuận mà "nhắm mắt làm ngơ", trường nào tham gia kiểm định cũng đều đạt nhưng chất lượng giáo dục thật sự lại thấp.
Bình luận (0)