Học sinh trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP HCM sinh hoạt dưới sân trường ảnh: tấn thạnh
Không ngờ kết quả cao như vậy!
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (đứng) trả lời các câu hỏi của phóng viên về kết quả PISA
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết thêm tại kỳ thi PISA, lĩnh vực toán học là trọng tâm của kỳ PISA 2012 và Việt Nam đứng thứ 17/65. Điểm trung bình Mean Score là 494 thì Việt Nam đạt 511. Như vậy, năng lực toán học của HS Việt Nam ở tốp cao hơn chuẩn năng lực của “Chương trình đánh giá HS quốc tế” của Hiệp hội Các nước phát triển (OECD).
Ở lĩnh vực đọc hiểu, Việt Nam đứng thứ 19/65, điểm trung bình là 496 thì Việt Nam đạt 508. Như vậy, năng lực đọc hiểu của HS Việt Nam cao hơn chuẩn năng lực của OECD.
Đối với lĩnh vực khoa học, Việt Nam đứng thứ 8/65. Điểm trung bình Mean Score là 501 thì Việt Nam đạt 528. Kết quả thi của Việt Nam khá cao trong bảng xếp hạng các nước trên thế giới tham gia kỳ thi PISA 2012, đứng trong tốp 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm 500.
Vượt qua học sinh Anh, Mỹ
Với kết quả gây sốc là HS Việt Nam vượt HS Anh, Mỹ về toán, khoa học, câu hỏi được nhiều phóng viên đặt ra cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT là với chất lượng giáo dục tốt như vậy, liệu có cần phải thay đổi cơ bản, toàn diện GD-ĐT và tại sao nguồn nhân lực Việt Nam lại yếu kém như vậy?
Trả lời câu hỏi này, ông Hiển cho rằng PISA không đánh giá được tất cả năng lực của người học mà chỉ ở 3 lĩnh vực toán, khoa học và đọc hiểu. “Không kiểm tra, đánh giá cũng biết HS Việt Nam đang yếu về kỹ năng giao tiếp, năng lực nghề nghiệp” - ông Hiển thừa nhận.
Tuy nhiên, dù cho rằng “không so sánh cũng biết HS mình yếu”, ông Hiển vẫn lạc quan “kỳ thi này trả lời được câu hỏi HS Việt Nam đang ở trình độ nào, thiếu gì, cần gì. Trước đây, chúng ta chỉ đánh giá từng người học chứ chưa đánh giá được tổng thể. Chúng tôi sẽ phân tích báo cáo kết quả của PISA để qua đó cải thiện điều kiện, nâng cao chất lượng giáo dục” - ông Hiển nhấn mạnh.
Sự đánh giá công bằng!
Trước những nghi ngờ của dư luận về sự trung thực của danh sách những người được OECD chọn tham gia PISA, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định kỳ thi diễn ra rất nghiêm túc, tuân thủ kỹ thuật khắt khe của OECD. “OECD kiểm soát chặt chẽ kỳ thi bằng cách cử người tới giám sát. Tôi có thể khẳng định kỳ thi đã trung thực ở tất cả các khâu. Sự trung thực vì danh dự quốc gia” - bà Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục thuộc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, khẳng định.
Bà Hà nói thêm: “Có rất nhiều bất ngờ từ phía HS nên không thể biết chất lượng các em thế nào để hoán đổi. Có những em dù chỉ học ở trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng vẫn làm bài rất tốt. Không một HS nào bị đánh tráo, đó là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên”.
Chuẩn bị để đáp ứng các thách thức PISA là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Programme for International Student Assessment - Chương trình đánh giá HS quốc tế” do Hiệp hội Các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả - chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia. PISA được thực hiện theo chu kỳ 3 năm/lần (bắt đầu từ năm 2000), đối tượng đánh giá là HS trong độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia (15 năm 3 tháng đến 16 năm 2 tháng - độ tuổi PISA). Mục đích là xem xét, đánh giá các mức độ năng lực đạt được ở lĩnh vực đọc hiểu, làm toán và khoa học của HS để xem đã được chuẩn bị nhằm đáp ứng các thách thức của cuộc sống sau này ở mức độ nào. |
Bình luận (0)